Xiaomi ngày càng lớn mạnh
Xiaomi đặc biệt hơn nhiều cái tên khác, nhất là các hãng đồng hương khi cung cấp tới người dùng Việt Nam một hệ sinh thái thiết bị tương đối đầy đủ từ smartphone, laptop tới phụ kiện công nghệ, thiết bị gia dụng, thời trang, … Và chính yếu tố P/P (price/performance) rất tốt giúp sản phẩm của hãng mệnh danh "Apple Châu Á" dễ dàng lọt vào mắt xanh của nhiều người.
Chưa có thống kê cụ thể nào về sự yêu thích, lòng trung thành của người dùng đối với "đội MiTu" (hay còn gọi là Thỏ Mi - linh vật của Xiaomi) nhưng bạn có thể làm một vòng Google, Facebook sẽ dễ dàng nhận ra có rất nhiều hội nhóm, diễn đàn trong nước lẫn nước ngoài chuyên về các sản phẩm của hãng. Cộng đồng Mifan và hệ sinh thái sản phẩm đa dạng có chiều sâu góp phần quan trọng làm nên chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu này, một hình ảnh khá giống với chính Apple.
Tính riêng mảng smartphone, Xiaomi trong thời gian gần đây đã có những bước tiến mạnh mẽ. Ở phạm vi toàn cầu, hãng chính thức vượt Apple để trở thành hãng smartphone lớn thứ 3 trên thế giới về số lượng sản phẩm bán ra trong quý III/2020 theo số liệu của IDC.
Cũng gặt hái thành quả ấn tượng tương tự tại Việt Nam, trong quý III năm nay Xiaomi sở hữu mức tăng trưởng 114% so với cùng kỳ năm trước để đạt 12% thị phần smartphone nước ta, đứng thứ 3 sau Samsung và OPPO, theo số liệu thống kê mới nhất của Canalys. Tất nhiên các số liệu này đều đến từ các kênh phân phối chính thống, chưa bao gồm các sản phẩm lưu hành dưới dạng xách tay.
Tham khảo một số chuỗi bán lẻ lớn, chúng tôi ghi nhận sự đóng góp tích cực của thương hiệu Xiaomi vào doanh số cho các đơn vị kinh doanh. "FPT Shop bắt đầu bán các dòng điện thoại Xiaomi từ tháng 3/2017… Hiện tỉ trọng Xiaomi chiếm khoảng 6 - 7% trên tổng số lượng điện thoại bán ra của FPT Shop. Điện thoại Xiaomi đang tăng tốt nhờ các model Redmi 9A, Poco X3 và Mi 10T Pro", ông Phạm Quốc Bảo Duy, Giám đốc Ngành hàng điện thoại Hệ thống FPT Shop cho biết.
Tại CellphoneS, nơi kinh doanh cả mặt hàng smartphone và phụ kiện phân phối chính hãng của Xiaomi tại Việt Nam, cũng ghi nhận con số khả quan. Đại diện chuỗi bán lẻ chia sẻ: "CellphoneS đã hợp tác phân phối các sản phẩm chính hãng Xiaomi ngay từ khi hãng có mặt tại thị trường Việt Nam, từ những năm 2016. Hiện tại tỉ trọng doanh số các sản phẩm smartphone Xiaomi chiếm khoảng 12% doanh số tổng, còn phụ kiện chiếm khoảng 25%".
"Di Động Việt bắt đầu phân phối dòng sản phẩm Xiaomi chính hãng từ những năm 2018. Sức hút của thương hiệu này tại Việt Nam là khá lớn, cụ thể với mặt hàng điện thoại lượng máy bán ra dao động khoảng 115.000 sản phẩm/năm và phụ kiện khoảng 2.000 sản phẩm/năm. Với lợi thế về cấu hình mạnh mẽ, tích hợp nhiều tính năng thời thượng và giá bán tốt, dự kiến sức hút của Xiaomi chính hãng sẽ tăng trưởng 10-15% mỗi năm", đại diện Di Động Việt nhận định về sức bán và khả năng tăng trưởng các sản phẩm chính hãng từ Xiaomi.
Sau màn "chết hụt" 2018, hàng Xiaomi xách tay giờ ra sao?
Nhắc về sự kiện diễn ra vào đầu tháng 10/2018 khi Xiaomi tuyên bố ngừng hỗ trợ điện thoại xách tay từ Trung Quốc cài đặt phần mềm của thị trường quốc tế nhằm ngăn chặn vấn nạn hàng nhập khẩu trái phép. Cụ thể những sản phẩm dành riêng cho thị trường đông dân nhất thế giới sẽ không thể cài đặt các bản ROM quốc tế và ngược lại. Tại thời điểm đó, theo chia sẻ của một cửa hàng kinh doanh điện thoại Xiaomi xách tay cho biết doanh số đã giảm tới 30% so với tháng trước. Nhiều nơi phải tìm hướng đi mới, nhập các thương hiệu khác để thay thế.
Việc Xiaomi ngừng hỗ trợ điện thoại xách tay từ Trung Quốc cài đặt phần mềm của thị trường quốc tế từng được nhiều đơn vị truyền thông lớn trong nước ta nhận định là giấy báo tử cho điện thoại Xiaomi xách tay. Ảnh chụp từ Zing.vn
Đó là câu chuyện của hai năm về trước và chúng tôi gọi đó là pha chết hụt bởi ở thời điểm hiện tại, không khó để bạn tìm mua một chiếc smartphone "cộp mác" Xiaomi nhưng chưa hề được phân phối qua kênh chính thống. Từ các trang web chào mời từ khóa tìm kiếm trên Google tới các sàn thương mại điện tử, chúng ta rất dễ bắt gặp các sản phẩm như vậy.
Ngoài chuyện một số smartphone không/chưa phân phối chính hãng tại nước ta, giá thành của những sản phẩm "không chính ngạch" cũng hấp dẫn người dùng hơn. "Khó khăn là giá xách tay và chính hãng lệch nhau khá nhiều, khoảng 20-30%", theo nhận định của ông Phạm Quốc Bảo Duy từ FPT Shop khi nói về trở ngại kinh doanh smartphone thương hiệu Xiaomi tại Việt Nam hiện nay.
Tình hình kinh doanh sản phẩm Xiaomi dạng xách tay còn phức tạp hơn bởi không chỉ có smartphone, thương hiệu này còn có nguyên hệ sinh thái từ phụ kiện công nghệ, đồ gia dụng, thời trang để các thương nhân nhập về kinh doanh. Đặc điểm thường thấy là các sản phẩm vừa được Xiaomi giới thiệu sẽ xuất hiện dưới dạng hàng xách tay sớm hơn đáng kể so với hàng nhập khẩu, phân phối chính ngạch. Các mặt hàng như cáp sạc, củ sạc, pin dự phòng đến rô bot hút bụi, máy lọc không khí của thương hiệu "Mì xào" đều được khá nhiều người dùng tại Việt Nam đón nhận bởi tính năng, công nghệ/giá thành khá hấp dẫn so với những tên tuổi lớn khác.
Chặng đường người tiêu dùng Việt Nam tìm mua được hàng Xiaomi chính hãng cũng nhập nhằng chẳng kém bởi một phần đến từ các cửa hàng kinh doanh. Từ các câu chữ khẳng định chắc nịch "hàng chính hãng", "hàng nhập khẩu chính hãng" trên các website, trang thương mại điện tử đến cái tên đơn vị kinh doanh như Mi Việt Nam, Xiaomi Việt Nam, Mi Store, … cũng đủ làm rối não người mua hàng. Đơn cử như Mi Store vốn được biết tới như một chuỗi cửa hàng "thửa riêng" hệ sinh thái của Xiaomi, theo tìm hiểu của chúng tôi hiện đang tồn tại song song hai hệ thống tại nước nước ta. Một bên là thành quả hợp tác giữa Xiaomi Việt Nam và nhà phân phối Digiworld, bên còn lại thuộc Công ty TNHH Mi Việt Nam bán cả hàng phân phối từ Digiworld và hàng nhập khẩu trực tiếp từ Xiaomi Bắc Kinh.
Hàng Xiaomi xách tay sắp tới liệu còn ung dung mà sống?
Cú đánh mang tên Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 đã quy định cụ thể các trường hợp, đồng thời tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, chắc chắn phần nào tác động đến các đơn vị kinh doanh hàng Xiaomi xách tay. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng với tổ chức có thể làm "chùn chân" nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, sự đầu tư về đa dạng sản phẩm mới, giá hấp dẫn và nâng cao chính sách hậu mãi, bảo hành cũng là vũ khí đang được hãng và các chuỗi cửa hàng phân phối hàng chính hãng tập trung đẩy mạnh. Khá đáng tiếc khi chúng tôi đã cố gắng liên hệ với Xiaomi Việt Nam về nội dung trong bài viết nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào. Nhưng thông qua thông tin đại diện các chuỗi cửa hàng lớn, chúng ta có thể thấy phần nào tổng thể bức tranh hàng phân phối chính hãng cạnh tranh với mặt hàng nhập lậu, trốn thuế.
"Từ một số nguồn thông tin chúng tôi có được, doanh số sản phẩm Xiaomi chính hãng và xách tay đang 50-50 nên có thể đánh giá tỉ lệ quan tâm của khách đang ngang nhau giữa chính hãng và xách tay", ông Bảo Duy cho biết. "FPT Shop có những khuyến mại thêm ngoài chương trình ưu đãi chung từ hãng, Xiaomi đầu tư bàn trải nghiệm Xiaomi hơn 50% số lượng shop để giúp khách hàng có trải nghiệm máy Xiaomi trước khi quyết định mua".
Tại CellphoneS, theo thông tin chia sẻ thì các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Xiaomi tăng trưởng liên tục do đáp ứng được nhu cầu sử dụng hàng chính hãng. "Trước kia khách hàng phải mua hàng trôi nổi ngoài thị trường, không đảm bảo về bảo hành cũng như sử dụng khó khăn vì giao diện tiếng Trung. Với chính sách giá và bảo hành như hiện tại của hàng chính hãng - chủng loại mặt hàng ngày một phong phú cũng như mức giá điều chỉnh bán ra tại hệ thống gần như tiệm cận giá sản phẩm xách tay lại có chế độ bảo hành an tâm. Có thể nói sản phẩm Xiaomi xách tay hiện tại gần như không có cơ hội cạnh tranh nhiều ở các mảng chính như robot hút bụi, máy lọc không khí, …", đại diện truyền thông chuỗi cửa hàng cho biết.
Cũng theo nhận định của đại diện CellphoneS, khách hàng ngày càng có xu hướng chọn hàng phân phối chính hãng, chỉ có số ít các sản phẩm lạ, thị trường ngách không được phân phối chính hãng thì khách hàng mới phải tìm đến hàng xách tay.
Bên cạnh giá cạnh tranh, chính sách bảo hành và khuyến mãi từ Xiaomi Việt Nam, các cửa hàng còn kích cầu tiêu dùng hàng chính hãng bằng các chương trình ưu đãi của riêng mình. "Di Động Việt thường xuyên tích hợp thêm các ưu đãi, như giảm giá trực tiếp, hoặc tặng PMH cùng các ưu đãi khi mua kèm phụ kiện, để khách hàng đón nhận dòng Xiaomi chính hãng nhiều hơn", đại diện Di Động Việt chia sẻ.
Có thể thấy sự kết hợp giữa ba bên nhà nước, hãng/nhà phân phối và cửa hàng bán lẻ đang mang đến nhiều dấu hiệu tích cực để người dùng có thể tiếp cận mặt hàng trong hệ sinh thái Xiaomi dễ dàng hơn. Chừng nào ưu thế p/p của Xiaomi vẫn được duy trì, đồng thời chính sách phát triển tại Việt Nam được hãng chú trọng mở rộng thì đó cũng là khi mảnh đất dành cho các thương nhân buôn hàng xách tay gắn mác "Mì Xào" càng hẹp lại.
Theo Minh Ty (Trí Thức Trẻ)