Đã có đường hướng phát triển mạng 5G
Đối với việc thử nghiệm 5G, Bộ TT&TT hiện mới cấp 1 giấy phép thử nghiệm cho nhà mạng Viettel. Do vậy, tại hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 3/2019 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị 2 nhà mạng MobiFone và VinaPhone sớm hoàn thành đề án thử nghiệm 5G.
Mục tiêu của việc thử nghiệm 5G là để xem mức độ phủ sóng của tần số 2.6GHz. Bên cạnh đó, Bộ muốn qua kết quả thử nghiệm để đánh giá xem nếu triển khai 5G ở tần số 3.5GHz có xảy ra hiện tượng nhiễu vệ tinh hay không.
Bộ TT&TT đang chờ đợi vấn đề phát sinh từ kết quả thử nghiệm 5G của các doanh nghiệp viễn thông để từ đó đưa ra những chính sách hợp lý trước khi tiến thành thương mại hoá dịch vụ 5G.
Việt Nam chưa từng triển khai công nghệ TDD di động cho mạng 5G. Có những thông tin cho rằng với công nghệ này, mỗi trạm BTS phải có một thiết bị GPS định vị vệ tinh. Điều đó mang đến những rủi ro về sự an toàn của hệ thống thông tin di động. Do vậy, kết quả việc triển khai thử nghiệm sẽ giúp Bộ TT&TT có cái nhìn thấu đáo hơn về công nghệ TDD.
Bộ TT&TT cũng muốn nghiên cứu về khả năng tăng dung lượng kết nối, khả năng thay thế cáp quang và hiệu suất sử dụng tần số của công nghệ 5G. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các nhà mạng cần sớm thử nghiệm công nghệ cho mạng 5G, từ đó giúp lộ ra những vấn đề để Bộ TT&TT có phương án điều chỉnh và quản lý.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc tới câu chuyện một công ty ở Đức từng bỏ 45 tỷ USD để mua về tờ giấy cấp phép tần số triển khai dịch vụ 3G. Sau đó, công ty này đã phải phá sản bởi không có ứng dụng, thiết bị thì đắt trong khi lại có quá ít người dùng, do đó không thể kiếm được doanh thu bù đắp vào chi phí.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã tổ chức thành công hội nghị đầu tiên của ASEAN về 5G với sự tham gia của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp và cả các nước ngoài khu vực ASEAN. Đây là kinh nghiệm tốt cho việc tổ chức các hội nghị quốc tế tiếp theo về 5G tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, tại hội nghị 5G, Bộ đã tìm ra đường hướng phát triển 5G bằng phương pháp tiếp cận theo pha. Trong đó, pha 1 triển khai bằng việc tăng dung lượng, cả Việt Nam chỉ lắp 20 trạm 5G, sau đó theo dõi quá trình thử nghiệm. Trong trường hợp công nghệ 5G hoạt động tốt và ổn định, Bộ sẽ cho triển khai mạnh dịch vụ này tại Việt Nam.
Đẩy nhanh cấp phép tần số mới, tăng chất lượng mạng data di động
Tại buổi họp giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Tần số đẩy nhanh thủ tục đấu giá băng tần 2.6 GHz, cơ bản phải xong trong tháng 4 hoặc đầu tháng 5.
Hiện Bộ đã xác định xong mức giá khởi điểm cho việc đấu thầu băng tần mới. Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT tiến hành tổ chức đấu giá băng tần, do đó, không tránh khỏi những vướng mắc liên quan tới các nghị định và văn bản pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng giao nhiệm vụ cho Cục Tần số phải quy hoạch xong tần số 700 MHz trong tháng 4/2019 để đưa ra đấu giá.
Việc đấu giá các băng tần mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ mạng data di động, giải quyết được những vị trí lõm sóng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi đa phần người dân hiện nay có nhu cầu sử dụng sóng di động khi ở trong nhà.
Việt Nam hiện có khoảng 43 công ty có thể trở thành công ty di động. Theo luật, con số này có thể còn lớn hơn nhiều lần, tuy nhiên số lượng tần số hiện tại không đủ để cung cấp cho tất cả các doanh nghiệp. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giao cho Cục Viễn thông cần phải sớm có quy hoạch về các công ty di động.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)