Sập bẫy lừa đảo có thể lấy lại tiền không? Chuyên gia nhắc điều quan trọng phải làm trong thời điểm vàng

17/01/2025 15:00:57

Một phút thiếu tỉnh táo, bạn có thể trở thành nạn nhân lần thứ hai.

Hiện nay, hình thức lừa đảo ngày càng đa dạng và tinh vi. Các thủ đoạn của kẻ gian không ngừng đổi mới với hàng loạt chiêu trò khác nhau, từ việc giả mạo thông tin cá nhân, lợi dụng các sự kiện thời sự, đến việc tạo ra các cơ hội đầu tư... khiến việc nhận diện và phòng tránh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

Khi phát hiện bị mất tiền, nhiều người có tâm lý hoang mang. Các đối tượng lừa đảo tận dụng cơ hội này để cung cấp giả mạo dịch vụ giúp họ lấy lại số tiền đã mất, qua đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của họ một lần nữa. Những đối tượng này này thường giả mạo thành luật sư, nhân viên ngân hàng, chuyên gia công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ hứa hẹn giúp đỡ nạn nhân lấy lại tiền, nhưng trên thực tế đó chỉ là cách để lừa đảo họ thêm một lần nữa.

Thực chất, đây là cái bẫy kép. Câu hỏi đặt ra là: "Chúng ta có thể lấy lại tiền đã bị lừa không?". Chuyên gia về an toàn thông tin Ngô Minh Hiếu đã đưa ra lời khuyên để bạn có thể xử lý thông minh trong trường hợp không may trở thành nạn nhân của lừa đảo, nếu kịp thời, bạn có thể bảo vệ tài sản của mình.

1. Trình báo với cơ quan chức năng

Dù khả năng lấy lại tiền không cao, việc trình báo vẫn rất quan trọng để các cơ quan chức năng nắm bắt vụ việc và đưa vào cơ sở dữ liệu điều tra. Cần cung cấp:

- Chi tiết các cuộc gọi, tin nhắn đã nhận.

- Số tài khoản ngân hàng mà tiền đã được chuyển vào.

- Số điện thoại của kẻ lừa đảo. Cơ quan chức năng có thể phối hợp với ngân hàng và các cơ quan quốc tế để truy vết.

Sập bẫy lừa đảo có thể lấy lại tiền không? Chuyên gia nhắc điều quan trọng phải làm trong thời điểm vàng

Lưu ý quan trọng:

- Không tin vào các dịch vụ "lấy lại tiền" trên mạng vì đây thường là các dịch vụ lừa đảo thứ cấp.

- Không tin nếu có người tự xưng là công an gọi điện thoại yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân. Hãy trực tiếp đến cơ quan công an tại địa phương hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) tại địa phương để trình báo.

2. Thông báo với ngân hàng

Liên hệ ngay với ngân hàng liên quan, cung cấp thông tin giao dịch và yêu cầu hỗ trợ đóng băng tài khoản nhận tiền nếu còn khả năng. Ngân hàng có thể hỗ trợ truy vết dòng tiền nếu thông báo kịp thời.

3. Giữ lại toàn bộ bằng chứng

Ghi âm các cuộc gọi, lưu lại số điện thoại và tin nhắn liên quan.

Chụp ảnh hoặc lưu lại biên lai giao dịch từ ngân hàng.

4. Hỗ trợ tâm lý cho người bị hại

Động viên rằng đây không phải lỗi cá nhân mà là do thủ đoạn của kẻ lừa đảo quá tinh vi. Hãy khuyến khích họ vượt qua cảm giác tội lỗi và sẵn sàng chia sẻ để ngăn ngừa các vụ việc tương tự.

5. Liên hệ với các tổ chức hỗ trợ

Hà Nội: Đường dây nóng 113 hoặc Facebook Công an TP. Hà Nội.

TP. Hồ Chí Minh: Phòng An ninh mạng, số điện thoại: 0693187200.

Toàn quốc: Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053.

Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: facebook.com/ConganThuDo.

6. Phòng ngừa trong tương lai

Chia sẻ câu chuyện để nhiều người biết đến và tránh bị lừa theo cách tương tự.

Hướng dẫn người lớn tuổi cách kiểm tra thông tin qua các kênh chính thống và báo với người thân trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào.

Tổng hợp

Theo Minh Anh (Đời Sống và Pháp Luật)