Trước đó, do tình trạng bán tháo ồ ạt trên thị trường crypto, Celsius đã quyết định tạm dừng việc rút tiền, chuyển đổi và chuyển khoản giữa các tài khoản trên nền tảng. Công ty cho biết động thái này nhằm giúp công ty có vị thế tốt hơn để “đáp ứng các nghĩa vụ rút tiền”.
Các cơ quan quản lý chứng khoán tại Alabama, Kentucky, New Jersey, Texas và Washington nhóm họp vào đầu tuần này và nhất trí tập trung điều tra vụ việc liên quan Celsius.
“Tôi rất lo ngại việc các khách hàng, trong đó có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể truy cập vào tài khoản, có thể dẫn đến những hệ luỵ nghiêm trọng về tài chính”, Joseph Rotunda, giám đốc Uỷ ban chứng khoán Texas cho biết.
Reuters thông tin, Celsius đã trả lời các câu hỏi từ phía cơ quan chức năng và cuộc điều tra mới ở giai đoạn ban đầu. Bên cạnh cơ quan quản lý cấp bang, Uỷ ban chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ cũng đang làm việc với công ty.
Đây không phải lần đầu tiên nền tảng cho vay tiền mã hoá này gặp rắc rối về pháp lý. Vào tháng 9 năm ngoái, chính quyền Kentucky, New Jersey và Texas đã yêu cầu Celsius dừng hoạt động, cho rằng các sản phẩm trả theo lãi suất của công ty cần phải được đăng ký như một loại chứng khoán.
Celsius có mô hình hoạt động tương tự như các ngân hàng, khi thu hút tiền gửi mã hoá của khách hàng bán lẻ và đầu tư vào thị trường crypto bán buôn. Công ty này hứa hẹn trả lãi cao cho các khách hàng gửi tiền, có lúc lên tới 18,6%/năm.
Việc thị trường mã hoá toàn cầu chao đảo, dẫn đến các khoản đầu tư của Celsius thua lỗ và tâm lý tháo chạy của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, đẩy công ty này vào nguy cơ phá sản khi không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính đã thoả thuận.
Kể từ sau khi đồng ổn định TerraUSD sụp đổ hồi tháng 5, các đồng tiền mã hoá đã mất hơn 400 tỷ USD vốn hoá. Bitcoin, đồng tiền lớn nhất thị trường có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng trở lại đây. So với đỉnh 69.000 USD vào tháng 11/2021, hiện đồng tiền này đang mất khoảng 70% giá trị.
Theo Vinh Ngô (VietNamNet)