Ốp lưng giả iPhone 12 là phụ kiện phổ biến nhất trên các sàn thương mại điện tử với giá bán từ 50.000 tới 150.000 đồng. Hiện thị trường có khoảng 4 đến 5 mẫu mã khác nhau, xuất xứ từ Trung Quốc, chất liệu từ silicon nhiều màu tới nhựa cứng, trong suốt.
Một gian hàng bán online cho biết đã bán được hơn 2.000 mẫu ốp lưng giả iPhone 12 kiểu này trong vài tuần qua, từ khi có nhiều thông tin rò rỉ về smartphone mới của Apple. Ốp được làm từ silicon, màu sắc khá giống iPhone 12 và 12 mini. Khi lắp vào iPhone khung viền bo cong, sản phẩm trông sẽ phẳng và vuông vắn giống iPhone 12.
Với các mẫu iPhone chỉ có camera kép, như iPhone X hay XS, XS Max, hoặc camera đơn như XR, cửa hàng này còn có miếng dán dành riêng cho camera để biến điện thoại thành kiểu camera ba ống kính như ở iPhone 12 và Pro Max. Một số nơi còn có cả miếng dán nguyên mặt lưng kính phía sau để đổi màu cho các kiểu iPhone cũ, vì iPhone 12 và 12 Pro năm nay có thêm màu xanh.
Một hình thức hóa trang iPhone cũ thành series 12 là thay vỏ. So với ốp lưng, dạng này tốn kém hơn vì buộc phải tháo máy, nhưng đổi lại, bộ vỏ mới trông giống iPhone 12 cả khi nhìn từ xa lẫn lúc cầm.
Ví dụ, một bộ vỏ giả iPhone 12 dành cho iPhone X có khung viền bao quanh làm từ thép, mặt lưng kính, chỉ khác là viền được vát phẳng. Tuỳ theo từng đời máy, chi phí cho việc thay vỏ này từ 500.000 đến 2 triệu đồng. Các model cũ hơn, như iPhone 6s, 7, 8 cũng thay được.
Tuy nhiên, theo những người sửa chữa điện thoại lâu năm, người dùng không nên lạm dụng hình thức "độ" vỏ máy kiểu này vì khi độ phải tháo rời linh kiện, gây nguy cơ mất ổn định khi sử dụng. Chưa kể, loại vỏ dùng để độ có xuất xứ không rõ ràng, ảnh hưởng đến tính năng sạc không dây, khả năng chống nước của sản phẩm. Ngoài ra, việc dán thêm tấm ốp camera hay mặt lưng có thể khiến ống kính camera bị mờ, dính thêm bụi bẩn khi sử dụng lâu dài.
Theo Tuấn Anh (VnExpress.net)