Theo Softpedia, công ty bảo mật Nga cho biết hầu hết các ứng dụng này đều nằm trong mục "Sports" (ứng dụng liên quan thể thao) và cung cấp các tính năng như stream nhằm che giấu việc chiếm dụng tài nguyên gây ra bởi việc đào tiền mã hoá.
Ví dụ, một ứng dụng stream bóng đá của Bồ Đào Nha, với hơn 100.000 lượt tải, bị chèn vào một đoạn mã khởi chạy khi người dùng bắt đầu stream. Bằng cách này, đoạn mã độc kia sẽ rất khó bị phát hiện, bởi mọi người đều lầm tưởng rằng CPU hoạt động quá nhiều là do đang stream.
"Các ứng dụng này truy cập đến máy chủ placartv.com. Đây cũng là tên miền được sử dụng trong địa chỉ email của nhà phát triển, được liệt kê trên Play Store. Có thể người dùng không để ý, nhưng trang web placartv.com sẽ chạy một đoạn mã để đào tiền mã hoá mỗi khi họ truy cập" - Kaspersky cho biết.
Công ty bảo mật này cũng cho biết không chỉ các ứng dụng thể thao, các đoạn mã đào tiền ảo còn được tích hợp vào rất nhiều ứng dụng khác, bao gồm một ứng dụng tổng hợp sản phẩm giảm giá, nhưng thay vì mở ra các trang web chứa các sản phẩm đó, nó lại tải các trang web chứa mã đào tiền ảo.
Các ứng dụng đã bị xoá khỏi Play Store
Bên cạnh các ứng dụng nêu trên, Kaspersky còn phát hiện một ứng dụng mang tên "Crypto Mining for Children" (?!) với miêu tả là "đào tiền ảo vì mục đích từ thiện".
"Phần miêu tả của ứng dụng này không đề cập gì đến nơi nào hoặc làm cách nào số tiền đào được sẽ được sử dụng - một thông tin tối quan trọng mà bất kỳ tổ chức gây quỹ từ thiện nào cũng sẽ công khai. Hơn nữa, tên của nhà phát triển lại trông khá giống với tên của một ứng dụng di động nổi tiếng (ứng dụng ví tiền ảo), nhưng lại thiếu mất một ký tự. Đây là thủ đoạn thường được sử dụng bởi những kẻ lừa đảo" - Kaspersky nói.
Google đã được thông báo về các ứng dụng này và tiến hành loại bỏ toàn bộ số ứng dụng mà Kaspersky phát hiện ra, có nghĩa là chúng ta đã có thể tạm thời an tâm.
Tuy nhiên, những khách hàng đã cài các ứng dụng tương tự như đã nói ở trên nên sử dụng các biện pháp bảo mật có khả năng phát hiện mã đào tiền ảo (như ứng dụng Malwarebyte trên Play Store), hoặc sử dụng các ứng dụng kiểm soát CPU để theo dõi các hoạt động sử dụng CPU bất thường - dấu hiệu của các đoạn mã độc ẩn trong các ứng dụng đang hoạt động.
Theo Minh.T.T (Vnreview.vn)