Các nhà lập pháp và chuyên gia an ninh quốc gia đang kêu gọi cấm TikTok, ứng dụng video ngắn của ByteDance, tại Mỹ do lo ngại kiểm duyệt nội dung, gây ảnh hưởng đến người dùng và gửi dữ liệu cá nhân về Bắc Kinh. Tuy nhiên, TikTok liên tục phủ nhận các cáo buộc.
Trước đây, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nỗ lực cấm TikTok nhưng không thành công. Năm 2020, một tòa án đã chặn đứng lệnh cấm do sắc lệnh hành pháp mà ông Trump dựa vào bắt nguồn từ Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế, trong đó áp dụng ngoại lệ đối với nhập khẩu hoặc xuất khẩu “thông tin”, “liên lạc cá nhân” nhằm bảo vệ tự do ngôn luận.
Như vậy, để có thể cấm TikTok, Mỹ cần thông qua luật mới, tương tự dự luật RESTRICT vừa được các Thượng nghị sỹ giới thiệu trong tháng này. Dự luật muốn trao quyền lực cho Bộ Thương mại để cấm công nghệ nước ngoài đe dọa rủi ro an ninh quốc gia. Theo các luật sư, điều đó sẽ phá vỡ các biện pháp bảo vệ ngôn luận trong luật hiện hành.
Emily Kilcrease, thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ mới và cựu phó trợ lý Đại diện thương mại Mỹ, nhận xét, RESTRICT hữu ích vì mang đến thẩm quyền pháp lý hoàn toàn mới, mạnh hơn, rõ ràng hơn.
TikTok chỉ trích dự luật RESTRICT và cho rằng, chính quyền ông Biden không cần thêm thẩm quyền từ Quốc hội để giải quyết lo ngại an ninh quốc gia về TikTok. Thay vào đó, Mỹ có thể phê duyệt thỏa thuận mà công ty đề xuất hơn 2 năm qua.
CEO TikTok Shou Zi Chew sẽ điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện vào ngày 23/3 (giờ địa phương). Dự kiến ông sẽ đối mặt với các câu hỏi hóc búa từ các nhà lập pháp muốn cấm ứng dụng.
TikTok, ứng dụng mà Giám đốc FBI Christopher Wray cho là có thể bị lợi dụng để “điều khiển phần mềm trên hàng triệu thiết bị” đã nằm trong tầm ngắm của chính phủ Mỹ nhiều năm, từ khi Thượng nghị sỹ Marco Rubio kêu gọi đánh giá năm 2019. Trong lúc này, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (Cfius) – cơ quan giám sát các khoản đầu tư nước ngoài vì rủi ro an ninh quốc gia – yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ủng hộ dự luật RESTRICT vì nó sẽ củng cố khả năng xử lý các rủi ro riêng biệt do các giao dịch riêng lẻ gây ra, cũng như rủi ro hệ thống do một số loại giao dịch nhất định liên quan đến các quốc gia đáng quan tâm trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm.
Tuy nhiên, theo Reuters, dự luật chưa mang đến giải pháp tức thời cho những người kêu gọi cấm TikTok. Dù lưỡng đảng ủng hộ RESTRICT, chưa có dự luật song hành nào được giới thiệu tại Hạ viện. Một số chuyên gia cho rằng, việc sử dụng các công cụ pháp lý mới để cấm TikTok vẫn có thể gặp thách thức do Tu chánh án thứ nhất.
Luật sư Nicholas Klein của Cfius dự đoán công cụ khó thành hiện thực trước năm 2024 và gần như chắc chắn sẽ gây thách thức pháp lý nếu được dùng để cấm TikTok.
Theo Du Lam (VietNamNet)