Giới trẻ Việt bị đầu độc bởi nhiều luồng thông tin bẩn
Nhiều người dùng Internet Việt Nam, nhất là giới trẻ thanh niên, học sinh và thậm chí trẻ em bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin, hình ảnh bạo lực, kích động được phát tán tự do trên không gian mạng, gây băng hoại giá trị đạo đức xã hội trong giới trẻ.
Gần đây, một số đối tượng như Ngô Bá Khá, Dương Minh Tuyền, Trần Ngọc Phúc... thường xuyên sử dụng trang Facebook, kênh Youtube cá nhân để đăng tải các đoạn video có nội dung kích động lối sống sai lệch với chuẩn mực đạo đức xã hội, tạo dư luận xấu trên không gian mạng, xuất hiện một bộ phận giới trẻ coi đó là “thần tượng”, học theo làm ảnh hưởng, phức tạp tình hình an ninh trật tự.
Theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), đơn vị này cùng với Bộ TT&TT đã có sự phối hợp chặt chẽ để kiểm soát, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ những thông tin, hình ảnh xấu, độc được đưa lên không gian mạng. Tuy vậy, theo ông Tuấn, điều đó vẫn là chưa đủ để chống lại những luồng thông tin bẩn này.
Thông tin giả làm hoang mang dư luận, xã hội
Vấn nạn tin giả (Fake News) cũng là một chủ đề gây nhiều “nhức nhối”. Tin giả được lan truyền trên các trang mạng xã hội đa phần mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để lôi kéo sự chú ý người đọc. Tuy nhiên, hậu quả của tin tức giả lại rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới nạn nhân.
Tại Việt Nam, thời gian quan xuất hiện nhiều vụ việc đăng tải thông tin giả mạo, làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, gây tâm lý hoang mang, bức xúc, ảnh hưởng an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Có thể điểm qua một vài vụ việc như đưa tin “máy bay rơi tại sân bay Nội Bài năm 2017”, “bắt chó thả rông ở TP.HcM cho sư tử ăn”, “Hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần”, “Đề xuất cấm tất cả công chức Hà Nội đổ xăng tại trạm xăng Nhật”...
Dù chỉ là những thông tin bịa đặt, thiếu kiểm chứng, Fake News đang trở thành vấn đề mà nhiều quốc gia đang phải đổi mặt và nỗ lực ứng phó.
Vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EC) đã yêu cầu các công ty Facebook, Twitter, Google áp dụng các biện pháp ngăn chặn những thông tin lừa đảo, gian lận xuất hiện trên các trang mạng này. Australia, Anh, Singapore cũng xây dựng quy định nhằm ngăn chặn những thông tin xấu độc, sai sự thật trên các trang mạng xã hội.
Nhiều vụ tấn công nhằm vào hệ thống thông tin quốc gia
Chỉ trong năm 2018, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện hơn 4.000 trang tin, cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia Việt Nam bị tấn công, xâm nhập.
Tin tặc đã sử dụng nhiều dòng mã độc đa dạng, với hàng trăm tên miền cho máy chủ điều khiển để tấn công vào hệ thống mạng thông tin của các cơ quan trọng yếu Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động sử dụng mã độc tống tiền tấn công các cơ quan, tổ chức ngày càng gia tăng, thông tin tài khoản của các dịch vụ trên Internet không được bảo vệ, liên tục bị lộ lọt, sử dụng vào các mục đích chính trị, thương mại gây bất an cho người sử dụng.
Điều này thể hiện rõ nét qua vụ 427.446 tài khoản người dùng Facebook Việt Nam bị lộ (nhiều thứ 9 thế giới), 735.000 máy tính bị ảnh hưởng bởi mã độc đào tiền ảo W32.CoinMiner, 560.000 máy tính bị lây nhiễm mã độc gián điệp BrowserSpy.
Đặt máy chủ tại nước ngoài, dùng game để mô phỏng cờ bạc
Tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, nhất là cá độ bóng đá đang diễn ra công khai tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Số lượng con bạc lên đến hàng nghìn người với số tiền đánh bạc ước tính hàng triệu USD mỗi ngày, đặc biệt vào các mùa giải bóng đá lớn trên thế giới như World cup, Euro...
Hiện tại, ở Việt Nam có trên 30 nhà cái quốc tế tổ chức đánh bạc, cá độ. Chủ các đường dây này đã thiết lập hàng trăm trang web và đặt máy chủ tại nước ngoài.
Đáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn tổ chức đánh bạc và tổ chức đánh bạc thông qua các trò chơi trực tuyến mô phỏng cờ bạc. Các đối tượng thuê đặt máy chủ và tên miền của nước ngoài, sử dụng các máy chủ trung gian và liên tục thay đổi địa chỉ máy chủ, sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mã hóa đường truyền dữ liệu, mã hóa dữ liệu nhằm che giấu, tránh sự theo dõi, phát hiện của các cơ quan chức năng.
Truyền bá, buôn bán văn hóa phẩm đồi trụy bằng Bitcoin
Theo cơ quan chức năng, các loại tội phạm truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, môi giới mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em trên mạng đang gia tăng.
Loại tội phạm này thường đặt cơ sở dữ liệu tại các máy chủ ở nước ngoài, sử dụng các dịch vụ ẩn thông tin đăng ký tên miền, ẩn IP máy chủ chứa cơ sở dữ liệu nhằm trốn tránh việc kiểm tra, phát hiện, xác minh của các cơ quan chức năng.
Thay vì thanh toán bằng cách chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng, tài khoản Paypal thì giờ đây các loại tội phạm trên đã chuyển sang thanh toán bằng tiền ảo như Bitcoin. Việc sử dụng công nghệ cao với hình thức thanh toán qua Internet đã gây khó khăn rất lớn trong công tác quản lý.
Lừa đảo, dụ dỗ đa cấp online ngày càng phổ biến
Theo nhận định của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các hoạt động sử dụng không gian mạng để lừa đảo đang diễn ra ngày một phức tạp.
Cách thức của bọn tội phạm tập trung chủ yếu vào các hành vi như lừa đảo qua tin nhắn rác, tin nhắn trúng thưởng, giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam, giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản.
Không chỉ vậy, xuất hiện nhiều vụ việc mà các đối tượng xấu đã chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người dùng, sau đó nhắn tin lừa đảo mọi người trong danh sách bạn bè của nạn nhân. Ngoài ra, xuất hiện nhiều hành vi lừa đảo từ hoạt động trao đổi, mua bán qua mạng, kinh doanh đa cấp.
Mua bán, trao đổi cách thức chế vũ khí, vật liệu nổ trên Internet
Chỉ bằng một vài từ khóa tìm kiếm qua công cụ Google, người mua có thể tìm mua được nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, từ súng quân dụng, đạn, súng điện, súng bắn đạn cao su, dùi cui điện, bình xịt hơi cay, đèn pin siêu sáng kèm chức năng chích điện 2.500 Kv...
Các hành vi này đang diễn ra công khai trên các diễn đàn hay các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến an ninh trật tự. Loại tội phạm này thậm chí còn móc nối với nhau để thành lập đường dây mua bán nhiều loại vũ khí trên mạng với giá thành từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Từ những thực trạng trên, có thể thấy Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ trên không gian mạng, khiến các cơ quan chức năng phải nỗ lực hơn rất nhiều để ngăn chặn nội dung bẩn gây ra nhiều tác động xấu tới thế hệ trẻ.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)