Zalo là một ứng dụng quen thuộc với nhiều người Việt bởi tính hữu dụng trong sinh hoạt thường ngày. Ứng dụng nhắn tin này hiện có hơn 70 triệu người dùng thường xuyên, gần bằng tổng số người dùng internet trên cả nước năm 2022 (theo We Are Social).
Zalo hiện có nhiều tính năng tăng cường quyền riêng tư và bảo mật dành cho người dùng.
Mã hóa đầu cuối tin nhắn
Mã hóa đầu cuối (E2EE) là phương thức được người dùng thế giới đánh giá bảo mật nhất hiện nay, gần như các app nhắn tin hàng đầu đều đã trang bị.
Mới đây, ứng dụng nhắn tin hàng đầu Việt Nam cũng đã hỗ trợ mã hóa đầu cuối, tối ưu bảo mật cho các nội dung trao đổi của người dùng. Theo đó, thông qua E2EE trên Zalo, mọi định dạng tin nhắn (văn bản, hình ảnh, video, tập tin...) đều được mã hóa và giải mã trực tiếp trên máy người dùng.
Lấy ví dụ, bạn soạn dòng tin “Mai bay Seoul công tác”, nội dung này ngay lập tức được mã hóa thành dãy ký tự đặc biệt trên thiết bị của bạn, chẳng hạn “h8*(haeqw=ya+”. Sau đó dãy ký tự này được giữ nguyên suốt quá trình vận chuyển cho đến khi người nhận mở tin nhắn, nó mới được giải mã về nội dung gốc trên máy người này.
Công nghệ mã hóa đầu cuối giúp dữ liệu người dùng được bảo vệ tối đa, dù kẻ xấu xâm nhập bất hợp pháp cũng không thể đọc hiểu nội dung gốc tin nhắn. Bởi các dãy ký tự được mã hóa một cách ngẫu nhiên và không mang ý nghĩa. Tính năng này đặc biệt cần thiết cho những ai thường xuyên chia sẻ thông tin quan trọng qua app nhắn tin như hồ sơ sức khỏe, mật khẩu, tài chính...
Đăng xuất thiết bị từ xa
Đôi lúc bạn đăng nhập Zalo ở một thiết bị nào đó và quên đăng xuất. Để đảm bảo tài khoản được riêng tư và bảo mật, bạn có thể sử dụng Zalo trên điện thoại và tính năng đăng xuất từ xa để thoát khỏi đăng nhập trên máy tính hay website.
Tự động xóa tin nhắn
Trong một vài trường hợp, người dùng chỉ muốn lưu tin nhắn trong khoảng thời gian nhất định. Tin nhắn tự xóa trên Zalo giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức khi chỉ cần thiết lập một lần là nội dung trò chuyện sẽ tự biến mất từ cả hai phía sau thời gian cài đặt sẵn.
Theo đó, thời gian tự xóa tin nhắn trên Zalo là 1, 7 hoặc 30 ngày. Sau khi hoàn thành cài đặt, bên dưới mỗi tin nhắn sẽ có đồng hồ đếm ngược. Biểu tượng này vừa giúp theo dõi thời gian tự xóa và cũng nhắc mọi người trong hộp thoại hiểu rằng mình đang trao đổi những thông tin quan trọng, tránh lan truyền ra ngoài.
Đặt bảo mật 2 lớp
Ngoài dùng để liên lạc, giao tiếp, Zalo ngày nay còn được mọi người sử dụng trong công việc. Để bảo vệ các nội dung trao đổi qua ứng dụng, bạn có thể cài đặt bảo mật 2 lớp.
Khi hoàn thành thiết lập, bất cứ khi nào đăng nhập lại ứng dụng, bên cạnh nhập mật khẩu bạn sẽ được yêu cầu nhập thêm mã kích hoạt được gửi về số điện thoại đăng ký Zalo. Việc này giúp quá trình đăng nhập an toàn, chính chủ và tối ưu bảo mật hơn.
Thu hồi tin nhắn
Nếu lỡ nhắn nhầm nội dung cho người khác, bạn có thể gỡ bỏ ngay lập tức nhờ tính năng thu hồi tin nhắn trên Zalo. Tính năng này giúp người dùng “chữa cháy” nhanh chóng và dọn dẹp những thông tin bị trùng lặp, gây khó hiểu, nhầm lẫn.
Đơn cử, khi bạn vừa gửi một file văn bản có chỉnh sửa so với trước đó vào nhóm, để tránh mọi người lấy không đúng bản cập nhật, bạn có thể thu hồi tin nhắn cũ.
Cài đặt nguồn kết bạn
Một số người không thích kết bạn với những người xa lạ, trong trường hợp này bạn cần tìm tính năng cài đặt nguồn kết bạn trên Zalo. Thông thường, người khác có thể gửi lời kết bạn qua số điện thoại, mã QR, username, danh thiếp... Bạn có thể tắt và mở bất kỳ nguồn kết bạn nào.
Sau khi đọc bài viết này, bạn có thể mở ứng dụng Zalo của mình lên và kiểm tra xem các tính năng riêng tư và bảo mật đã được kích hoạt chưa. Quá trình nâng cấp sự riêng tư, bảo vệ an toàn cho các thông tin bạn trao đổi chỉ mất vài phút thực hiện thao tác.
Theo Lệ Thanh (VietNamNet)