Những sự thật ít ai ngờ về điện thoại thông minh hiện nay

18/05/2025 09:50:28

Dù là sản phẩm công nghệ được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, điện thoại thông minh vẫn tồn tại không ít điểm khiến người dùng hiểu lầm. Từ dung lượng pin, độ sáng màn hình đến hiệu năng và tính năng theo từng khu vực – có rất nhiều điều mà người dùng cần biết rõ hơn để tránh kỳ vọng sai lệch khi sử dụng.

Pin trên mỗi máy không hoàn toàn giống nhau

Việc sản xuất pin lithium-ion là một quy trình phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao nhưng vẫn không tránh khỏi những sai lệch nhỏ trong từng lô hàng. Điều này khiến cho hai chiếc điện thoại dù cùng mẫu mã, cùng đời máy cũng không sở hữu viên pin hoàn toàn giống nhau về dung lượng thực tế.

Thay vì công bố con số cụ thể cho từng thiết bị, các nhà sản xuất sử dụng thuật ngữ "dung lượng điển hình" hoặc "dung lượng định mức" nhằm thể hiện giá trị trung bình đại diện cho toàn dòng sản phẩm.

Thông tin về tình trạng pin chỉ mang tính tương đối

Chỉ số phần trăm hiển thị tình trạng pin không phản ánh chính xác mức độ hao mòn của pin theo thời gian. Để tính toán chỉ số này, các hãng sản xuất thường đặt ra một ngưỡng dung lượng chuẩn thấp hơn dung lượng tối đa thực tế của pin.

Những sự thật ít ai ngờ về điện thoại thông minh hiện nay
Thông tin về tình trạng pin chỉ mang tính tương đối. Ảnh: Tech Radar

Ví dụ, nếu viên pin có dung lượng tối đa là 5.000 mAh thì giá trị mặc định cho mức 100% lại chỉ là 4.900 mAh. Chỉ khi pin hao mòn xuống dưới mức 4.900 mAh, chỉ số phần trăm mới bắt đầu giảm. Điều này khiến người dùng tưởng rằng pin vẫn đang "tốt", trong khi thực tế pin đã bắt đầu xuống cấp từ sớm.

Việc đánh giá tình trạng pin còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số chu kỳ sạc, điện áp, nhiệt độ và mức hao mòn – tất cả đều thay đổi liên tục, khiến cho con số cuối cùng chỉ là một phép tính gần đúng chứ không thể chính xác tuyệt đối.

Độ sáng màn hình không đạt mức tối đa trong thực tế sử dụng

Thông số về độ sáng thường khiến người dùng hiểu nhầm rằng điện thoại có thể đạt mức sáng cao nhất mọi lúc. Tuy nhiên, độ sáng trên màn hình smartphone được chia làm ba cấp độ.

Mức đầu tiên là độ sáng thông thường, người dùng có thể điều chỉnh qua thanh trượt trong phần cài đặt. Mức thứ hai – gọi là độ sáng cao (HBM) – chỉ được kích hoạt trong điều kiện ánh sáng mạnh khi bật chế độ sáng tự động.

Mức cuối cùng là độ sáng đỉnh, thường chỉ xuất hiện khi điện thoại hiển thị nội dung HDR trong thời gian rất ngắn và chỉ tại một phần nhỏ của màn hình. Vì vậy, thông số về độ sáng đỉnh mà các hãng công bố thực tế gần như không thể đạt được trong các tình huống sử dụng thông thường.

Sạc nhanh không duy trì tốc độ cao trong suốt quá trình

Các hãng điện thoại thường quảng cáo về tốc độ sạc nhanh vượt trội, nhưng thực tế tốc độ đó chỉ được áp dụng ở giai đoạn đầu của quá trình sạc, thường là từ 0% đến 60%. Sau ngưỡng này, tốc độ sạc được giảm dần để tránh hiện tượng quá nhiệt và bảo vệ tuổi thọ pin. Thậm chí, dù điện thoại có hỗ trợ công suất sạc lên tới 100 W, tốc độ vẫn giảm đáng kể sau mốc 80% và quá trình sạc sẽ chậm lại đáng kể ở giai đoạn cuối.

Những sự thật ít ai ngờ về điện thoại thông minh hiện nay - 1
Tốc độ sạc sẽ được tự động thay đổi để tránh quá nhiệt và tối ưu tuổi thọ pin. Ảnh: Tech Radar

Đây là cơ chế điều chỉnh có chủ đích, áp dụng với mọi chuẩn sạc nhanh phổ biến hiện nay như USB Power Delivery, Quick Charge hay SuperVOOC.

Kính màn hình điện thoại cao cấp không khác biệt quá nhiều so với dòng tầm trung

Nhiều người cho rằng điện thoại đắt tiền sẽ có mặt kính cứng cáp, chống trầy và nứt vỡ tốt hơn. Tuy nhiên, độ bền của mặt kính phụ thuộc vào hai yếu tố đối nghịch: độ cứng và độ dẻo. Một tấm kính không thể đạt mức tối ưu ở cả hai yếu tố này cùng lúc.

Trên thực tế, các loại kính như Gorilla Glass Victus 2 – thường được sử dụng cho điện thoại cao cấp – và Gorilla Glass 7i trên dòng tầm trung có thành phần và đặc tính hóa học tương đương. Ngưỡng chống trầy xước của chúng gần như không có sự khác biệt đáng kể.

Hiệu năng giữa các máy dùng chung chip có thể không giống nhau

Bộ xử lý (chipset) là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu năng, nhưng không phải là duy nhất. Những yếu tố như hệ thống tản nhiệt, tốc độ bộ nhớ trong, loại RAM hay khả năng tối ưu phần mềm đều góp phần tạo ra khác biệt.

Trong một số trường hợp, dù dùng chung chip xử lý, hai thiết bị vẫn có hiệu năng khác nhau rõ rệt. Nếu phần mềm được lập trình thiếu tối ưu, máy có thể xảy ra hiện tượng giật, lag hoặc tiêu hao pin nhanh hơn, ngay cả khi phần cứng thuộc loại cao cấp.

Tính năng điện thoại thay đổi theo từng thị trường

Cùng một dòng điện thoại nhưng tính năng có thể khác nhau tùy vào nơi bán. Ví dụ, iPhone tại thị trường Mỹ hiện không còn khay SIM vật lý và chỉ hỗ trợ eSIM, trong khi các phiên bản dành cho khu vực châu Á vẫn giữ thiết kế có khay SIM thông thường.

Ngoài ra, phần mềm và thuật toán xử lý ảnh cũng được tùy biến theo sở thích từng khu vực. Người dùng phương Tây thường ưa chuộng hình ảnh giữ lại nhiều chi tiết tự nhiên, còn thị trường châu Á lại ưu tiên các thuật toán làm đẹp tự động để ảnh trông lung linh hơn.

Theo Thái Sơn (SHTT)