Dấu hiệu đầu tiên là điện thoại hoạt động kém hơn bình thường. Nếu ứng dụng mất quá nhiều thời gian để tải hay bị “sập” ngẫu nhiên, nó có thể đã bị tấn công. Một dấu hiệu khác là pin hết quá nhanh. Do mã độc chạy trong nền, ứng dụng nhiễm độc sẽ cần nhiều năng lượng hơn và nó đến từ pin trên thiết bị.
Điện thoại nhanh hết pin, dễ nóng máy
Nếu dùng gói cước giới hạn và nhận thấy dữ liệu nhanh hết hơn so với thông thường, nguyên nhân có thể không phải vì bệnh nghiện game của bạn mà là kết quả của mã độc. Nếu hóa đơn 4G tăng không rõ lý do, thì đó là một điều bạn cần quan tâm.
Nếu nhìn thấy nhiều quảng cáo pop-up hiển thị trên màn hình hơn, cá là điện thoại của bạn đã dính mã độc. Mã độc sẽ tạo ra thu nhập cho hacker đứng sau những quảng cáo này.
Tất nhiên, cũng có những yếu tố khác làm cho điện thoại dễ nóng máy, không chỉ có mã độc, song đây cũng là một dấu hiệu. Nếu nghi ngờ, hãy tải về phần mềm diệt virus uy tín từ kho ứng dụng để tìm ra thủ phạm. Sau khi quét, ứng dụng sẽ đưa ra vài gợi ý để bạn làm theo. Nếu nó gợi ý xóa ứng dụng nào đó, hãy làm như vậy ngay cả khi không muốn.
Có nhiều loại mã độc nhưng đều có chung mục tiêu làm bạn “trắng tay”
Trong trường hợp đã thử các cách ở trên song vấn đề không biến mất, bạn nên sử dụng tính năng khôi phục về cài đặt gốc trên thiết bị. Hãy đảm bảo đã sao lưu tập tin và dữ liệu trước khi làm điều đó. Bị hack điện thoại là một vấn đề nghiêm trọng, có thể làm cho tài khoản của bạn bị mất sạch tiền.
Có rất nhiều loại mã độc. Chẳng hạn, phầm mềm quảng cáo (adware) sẽ tự động hiển thị quảng cáo trên điện thoại để tạo thu nhập cho hacker. Một số loại mã độc khác có thể điều khiển điện thoại từ xa, chiếm quyền camera và các tính năng khác. Số khác lại đăng ký các dịch vụ trả tiền mà bạn không hề hay biết (thường là các dịch vụ nhắn tin). Cũng có loại được thiết kế để hacker đột nhập vào ứng dụng ngân hàng để đánh cắp tiền của nạn nhân. Mục tiêu phổ biến là làm cho bạn “trắng tay”.
Theo Du Lam (VietNamNet)