Nhóm nghiên cứu bảo mật Keen Lab vừa qua đã tìm được cách đánh lừa hệ thống tự lái của một chiếc Tesla Model S, khiến cho nó băng qua làn đường ngược chiều. Kết quả này khiến CEO Tesla, ông Elon Musk phải lên tiếng khen ngợi trên Twitter.
Ngoài ra, Keen Lab cũng công bố 2 hình thức đánh lừa và tấn công hệ thống khác trên xe Tesla, khiến cho xe tự bật gạt nước và đem lại khả năng điều khiển xe chỉ bằng tay cầm chơi game.
Tất nhiên, Elon Musk không cần phải lo lắng với các kết quả này bởi Keen Lab là một nhóm hacker “mũ trắng”, hay nói đúng hơn là phòng nghiên cứu bảo mật thuộc Tencent, và họ đang thực hiện nghiên cứu để tăng mức độ bảo mật trên xe Tesla. Các kết quả nghiên cứu đều được chuyển về để Tesla khắc phục những lỗ hổng trên xe của mình.
Keen Lab đã hợp tác với Tesla để tăng khả năng bảo mật của hệ thống tự lái nhiều năm nay. Nhóm nghiên cứu này thậm chí còn được Tesla ghi nhận và trao danh hiệu cho nhóm bảo mật tốt nhất 2 lần nhờ những đóng góp trong quá khứ.
Không chỉ nghiên cứu về bảo mật xe tự lái, các thành viên của Keen Lab còn được biết đến với rất nhiều thành tích ấn tượng trong quá khứ. Nhóm này cũng thực hiện rất nhiều nghiên cứu về bảo mật trên máy tính, hệ điều hành di động và các ứng dụng điện toán đám mây, IoT.
Họ từng xâm nhập được hệ thống Mac OS X Mavericks Safari chỉ trong 20 giây, khai thác lỗi Adobe Flash trên Windows 8.1 trong 15 giây trong cuộc thi Pwn2Own diễn ra năm 2014.
Vào năm 2013, Keen Lab cũng đạt rất nhiều giải ở cuộc thi Pwn2Own. Họ thậm chí còn nhận được đề cử cho nghiên cứu của mình tại 2016 Pwnie Awards, giải thưởng được coi là “Oscars của ngành bảo mật”.
Năm 2016, Keen Lab là nhóm đầu tiên trên thế giới tấn công được xe Tesla từ xa. Họ có thể ra lệnh mở khóa xe, cửa sổ trời và can thiệp hệ thống phanh mà không cần động vào chiếc xe. Với thành quả đó, Keen Lab nhận được 40.000 USD và một bức thư cảm ơn từ ông Musk.
Những nghiên cứu về bảo mật của Keen Lab đối với các hệ thống xe tự lái cũng rất quan trọng với Tencent. Nhóm nghiên cứu này hợp tác với nhiều đối tác của Tencent, bao gồm cả Audi, Tesla và Daimler để tăng cường độ bảo mật cho các xe có kết nối mạng.
Người đứng đầu của Keen là Wu Shi, một nhà khoa học máy tính. Trước khi gia nhập Keen, ông Wu từng được biết đến trong giới bảo mật với những vụ phát hiện lỗ hổng lớn. Theo thông tin chính thức từ Tencent, ông Wu từng phát hiện tới 15 lỗ hổng trong hệ điều hành iOS, nhiều gấp đôi số lượng của các nhóm nghiên cứu nội bộ Apple từng tìm được.
Năm 2016, ông Wu còn được đề cử giải thành tựu trọn đời của giải thưởng Pwnie Awards. Ông được coi là một trong những người tạo ra khái niệm “tìm lỗ hổng để lấy tiền thưởng”.
Trong nỗ lực đẩy mạnh công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, các công ty Trung Quốc đều đang chạy đua để thu hút những nhân tài công nghệ. Theo nghiên cứu của tổ chức China Securities, thị trường bảo mật của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 21% trong năm nay.
Tentcent hiện sở hữu 7 nhóm nghiên cứu bảo mật. Ngoài công ty này, những cái tên lớn khác như Qihoo 360 hay Alibaba cũng đều đầu tư rất nhiều để xây dựng các nhóm nghiên cứu. Qihoo thậm chí sở hữu hàng chục nhóm nghiên cứu sau những thương vụ mua lại.
Theo Nhật Minh (Tri Thức Trực Tuyến)