Thành phố New York, Thứ Ba, ngày 23 tháng 9 năm 2008. Giám đốc điều hành HTC, Google, T-Mobile và Deutsche Telekom đã lên sân khấu để giới thiệu Android 1.0, một hệ điều hành di động hoàn toàn mới và G1, smartphone đầu tiên chạy nền tảng này. Rõ ràng là họ đã có tầm nhìn về tương lai của Android.
Các đại diện của công ty đã dành rất nhiều thời gian để nói về độ “mở” của hệ điều hành và coi đây là điểm khuyến khích các bên thứ ba phát triển ứng dụng cho Android. Họ cho biết, "chúng tôi muốn cung cấp một loạt các thiết bị, ứng dụng và dịch vụ mới để mọi người hòa nhập vào xu hướng internet di động trên toàn thế giới."
Larry Page và Sergey Brin, đồng giám đốc điều hành của Google vào thời điểm đó, đã xuất hiện. Brin đã trình diễn ứng dụng đầu tiên mà anh ấy viết cho Android, ứng dụng này tính toán thời gian mà G1 ở trên không khi nó được ném lên và xuống. Cả hai rõ ràng say mê với nền tảng mới và nói về tiềm năng của nó.
Cùng với nhau, phần mềm và phần cứng được thể hiện vào ngày hôm đó đã đặt nền móng cho Android như chúng ta biết ngày nay.
Nhưng Android 1.0 thực sự như thế nào? Nó có những tính năng gì? Nó thiếu những tính năng nào? Để kỷ niệm 13 năm Android 1.0 ra mắt, đây là những gì chúng ta nhớ về những bước đầu tiên của Android ra thế giới.
Android 1.0: Một trải nghiệm vừa quen vừa lạ
Có rất nhiều hệ điều hành di động cạnh tranh nhau vào mùa thu năm 2008. Khi đó iOS của Apple chỉ mới xuất hiện được một năm và thua thiệt so với các hệ điều hành BlackBerry OS và Symbian đang dẫn đầu về quy mô. Windows Mobile và Palm OS cũng vẫn còn có mặt trên thị trường. Google và các nhà phát triển Android của họ đã chọn một số yếu tố cho Android từ các nền tảng đã có tên tuổi nhưng cũng giới thiệu một loạt ý tưởng mới, đến giờ vẫn là một phần của Android.
Android 1.0 có ba màn hình chính. Màn hình chính trung tâm chứa các ứng dụng và widget được tải sẵn. Bạn có thể vuốt sang trái hoặc phải để thêm nhiều ứng dụng / tiện ích vào các màn hình khác nếu muốn - điều mà bạn vẫn có thể làm với Android ngày nay. Việc triển khai các widget của Android khá mới lạ vào thời điểm đó. Mặc dù các nền tảng ngày đó như Windows Mobile đã bao gồm các tiện ích con, nhưng chúng không thể tùy chỉnh hoặc không đa dạng như trên Android.
Android 1.0 bao gồm một ngăn kéo ứng dụng (app drawer), nó được truy cập bằng cách nhấn vào một nút ảo nằm cuối màn hình chính. Tuy nhiên, chức năng cơ bản vẫn giống như ngày nay. Menu cài đặt của Android 1.0 được bố trí theo cách giống với những gì chúng ta có trong Android hiện đại, nhưng menu cài đặt nhanh chưa tồn tại. iOS 2 trên iPhone năm 2008 không có ngăn kéo ứng dụng nhưng các thiết bị Windows Phone và BlackBerry có các tính năng tương đương.
Android lúc này vẫn tập trung vào phím vật lý. Ai đã sử dụng Android từ những ngày đầu có lẽ sẽ nhớ tất cả các nút để điều khiển hệ điều hành. Các phím quan trọng như nút quay lại, nút home và menu là cần thiết để thực hiện một số thao tác điều hướng và hành động. Thậm chí không có bàn phím ảo; G1 yêu cầu bạn sử dụng bàn phím QWERTY vật lý. Nút Menu vật lý để người dùng truy cập vào thay đổi hình nền, thông báo, cài đặt, tìm kiếm,...
Tất nhiên, giờ đây, nền tảng này hoàn toàn được kích hoạt bằng cảm ứng và các cử chỉ sẽ thực hiện những hành động tương tự. Trong số tất cả các nền tảng có sẵn vào năm 2008, chỉ có iPhone là hoàn toàn hỗ trợ cảm ứng. BlackBerry, Symbian và Windows đều dựa rất nhiều vào các nút vật lý.
Cách xử lý thông báo của Android 1.0 là một thế mạnh của nền tảng này và là thứ mà chúng ta vẫn tin tưởng cho đến ngày nay. Cách các thông báo hiện lên nhanh chóng trên thanh trạng thái đã được các nền tảng khác học hỏi theo.
Một thanh tìm kiếm Google đã được tích hợp ngay từ đầu và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ngay cả phiên bản đầu tiên của công cụ tìm kiếm này cũng bao gồm tính năng tự động hoàn thành văn bản để giúp mọi người thực hiện tìm kiếm nhanh hơn.
Bạn có thể tạo hình vẽ để mở khóa máy, thứ mà ngày nay vẫn còn có trên Android.
Chợ ứng dụng
Apple đã giới thiệu App Store với iOS 2 vào tháng 7 năm 2008, chỉ ngay trước khi Android ra mắt. Vào thời điểm đó, các cửa hàng ứng dụng chung trên thiết bị rất hiếm. Hầu hết các ứng dụng trong máy đều có trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc từ các nhà phân phối trực tuyến không đảm bảo. Rất may, Google đã làm theo mô hình của Apple.
Các ứng dụng đầu tiên của Android 1.0 rất thô sơ nhưng đầy đủ chức năng. Gmail, lịch, máy tính, Maps và YouTube của riêng Google là những thứ có sẵn sớm nhất. Các ứng dụng của bên thứ ba có thể tải từ Android Market, phiên bản gốc của cửa hàng Google Play. Android Market 1.0 rất cơ bản và rất ít ứng dụng. Nó chủ yếu là trải nghiệm dựa trên các dòng chữ đề mục với ít hình ảnh.
Đặc biệt, Gmail trong giai đoạn này đã hỗ trợ push, IMAP / POP và SMTP, giúp nó có lợi thế hơn trên một số nền tảng. Mặt khác, YouTube lại mang đến trải nghiệm không tốt lắm. Trình duyệt lúc đó thậm chí không được gọi là Chrome. Nó dựa trên WebKit, nhưng ban đầu không hỗ trợ Flash.
Ứng dụng máy ảnh không ấn tượng chút nào. Ví dụ: mỗi khi bạn chụp ảnh, bạn sẽ thấy một cửa sổ bật lên hỏi bạn muốn lưu, đặt, chia sẻ hay xóa ảnh. Cửa sổ này xuất hiện lên mỗi lần khiến người dùng rất khó chịu. Ứng dụng camera cũng không thể quay video và cũng không có tính năng hay chế độ chụp ảnh nào.
Google Maps lại là ưu điểm cực lớn. Mặc dù Google Maps đã có mặt cho các nền tảng khác, chẳng hạn như BlackBerry OS, nhưng Maps dành cho Android là một bước tiến lớn. Nó bao gồm chế độ Street View sống động, hỗ trợ di chuyển xung quanh bản đồ để bạn có thể xác định các điểm mốc trước khi bắt đầu cuộc hành trình của mình.
Tạo tiền đề cho tương lai của Android
Không có nghi ngờ gì về việc Android 1.0 đã mạnh mẽ ngay từ đầu. Nó tập hợp một loạt các ý tưởng dưới một nền tảng và đưa ra những lời hứa táo bạo. Lúc đó, nó vẫn không phải là sự lựa chọn phổ biến như ngày nay. Vào thời điểm đó, chỉ có T-Mobile ở Mỹ cung cấp G1. G1 đã không tiếp cận được các thị trường khác cho đến đầu năm 2009. Nhìn chung, các thiết bị Android không bán được số lượng lớn cho đến khi Verizon Wireless ra mắt Motorola Droid vào mùa thu năm 2009 - một năm sau khi ra mắt nền tảng này. Và lúc đó chúng ta đã lên Android 2.0.
Nhưng những ngày đầu đó rất quan trọng để xây dựng nền tảng cho Android. Google đã nhanh chóng nói về các phiên bản tương lai của nền tảng này, bao gồm Cupcake và Donut, mà công ty hứa sẽ bổ sung các tính năng và sửa lỗi theo thời gian. Điều này đã giúp xây dựng sự mong đợi từ người dùng. Hơn nữa, Android nhanh chóng được các nhà phát triển và cộng đồng modding ủng hộ, vì nó mở theo cách mà BlackBerry OS, iOS, PalmOS và Symbian không có. Cuối cùng, chúng ta đã có một Android phổ biến như ngày nay.
Theo RYANKOG (Pháp Luật & Bạn Đọc)