Các sàn thương mại điện tử hiện quản lý khá chặt những sản phẩm giả, nhái. Riêng ở mảng điện thoại di động, hầu như rất khó kiếm được các mẫu máy làm giả thương hiệu lớn. Song vẫn còn tồn tại một số mẫu máy cố tình nhái theo kiểu dáng hoặc tên gọi của những sản phẩm cao cấp trên thị trường, sau đó bán với giá rất rẻ để hút khách.
Điểm dễ nhận thấy nhất của những sản phẩm này là làm giống theo kiểu dáng điện thoại đắt tiền, cố tình đưa thông số kỹ thuật hấp dẫn với giá bán rẻ hơn cả chục lần. Nhiều người ham rẻ đã mua phải sản phẩm kém chất lượng, không hoạt động bình thường.
Chẳng hạn, trên sàn Lazada, mẫu máy i12 Pro được bán với giá hơn 995 ngàn đồng, được quảng cáo có RAM 12GB nhưng phần miêu tả lại ghi RAM 6GB. Chiếc điện thoại có thiết kế cóp nhặt từ những smartphone cao cấp hiện nay và không có thương hiệu cụ thể. Một số bình luận đầu tiên đánh giá sản phẩm tốt, nhưng các đánh giá về sau ít thiện cảm hơn.
Ví dụ, máy bị cho là vào mạng chậm, pin hết rất nhanh, không xem được YouTube. Người dùng khác cho biết phần cảm ứng của máy hoạt động không chính xác. Về tổng thể, điện thoại nhận được 3.5/5 sao.
Ngoài sản phẩm nói trên, nhà bán này cũng đang niêm yết 3 mẫu máy được ghi là Poco X3 Pro, Xiaom (không phải Xiaomi - PV) Note9 Pro, và Rino 7 Pro. Những smartphone này nhận các than phiền như: hàng dỏm, lắp SIM hay bị lỗi, không đủ bộ nhớ, camera bị mờ,... Mẫu máy Note9 Pro nhận đánh giá 2.5/5 sao. Trong một bình luận về sản phẩm, khách hàng Loan L. viết: “mọi người đừng ham rẻ như tui nha”.
Vài nhà bán khác cũng có một số sản phẩm tương tự, với mức giá bán ra trung bình khoảng 900 đồng. Hầu hết đều nhận các bình luận tiêu cực. Ví dụ sản phẩm có tên Ip12 Pro bị than phiền là giao hàng không đúng như hình ảnh minh hoạ, hay điện thoại I12 Pro bị cho là hoạt động chậm, không ổn định.
Trên Shopee, hàng loạt smartphone có thiết kế khá giống với những smartphone cao cấp trên thị trường, được rao bán giá từ 1-2 triệu đồng nhưng không ai mua. Những điện thoại này được đặt tên như M12Pro, i12 Pro MAX, X20 Pro, P50 Pro... với các thông số “khủng” như camera zoom 120X, màn hình 4K, bộ nhớ 512GB, song trên thực tế sản phẩm nhận được có chất lượng không đúng. Có lẽ người dùng thương mại điện tử đã cảnh giác hơn nên số lượng người mua sản phẩm này vẫn bằng 0.
Điểm đặc biệt là do chủ gian hàng không hoạt động trong hơn 7 ngày nên sàn thương mại điện tử đã tạm thời khoá giao dịch đối với các sản phẩm và nhắc người mua thử chat với người bán để nắm tình hình. Đây cũng là một động thái khiến khách hàng suy nghĩ lại trước khi đặt mua.
Có thể thấy, hầu hết các sản phẩm nói trên đều cố tình đặt tên dễ liên tưởng đến iPhone 12 Pro, iPhone 12 Pro Max; hay Samsung Galaxy S21; Huawei P50 Pro và một số mẫu smartphone cao cấp hãng khác.
Trên thực tế, dù các sàn thương mại điện tử đã đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế hàng kém chất lượng, song hàng hoá trên sàn vẫn chưa thể bảo đảm chất lượng 100%. Trong một số bình luận, có người thậm chí đòi tẩy chay sàn thương mại điện tử vì cho rằng mình bị lừa. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến niềm tin của người dùng đối với thương mại điện tử, do đó các sàn nên có biện pháp hữu hiệu hơn nhằm đối phó với vấn nạn này.
Về phía người mua hàng, đặc biệt tránh những món hàng quá rẻ so với thị trường, đồng thời tích cực đọc đánh giá của người mua trước về sản phẩm, cũng như nên mua hàng từ nhà bán hàng có uy tín trên sàn.
Trên thực tế, những sản phẩm kém chất lượng này không được bày bán tại các hệ thống bán lẻ lớn vì không vượt qua được vòng kiểm tra chất lượng, do đó chúng được đưa lên sàn thương mại điện tử vốn có quy trình kiểm duyệt không gắt gao.
Theo Thiên Phúc (ICTNews)