Từ lâu, thị trường phân phối thiết bị di động tại Việt Nam được chia làm hai nhóm gồm “chính hãng” và “xách tay”. Trong đó, nhóm chính hãng được hiểu là các sản phẩm được nhập về, phân phối theo đường chính ngạch, hãng sản xuất (hoặc đơn vị ủy quyền) đứng ra bảo hành.
Trong khi đó, nhóm hàng “xách tay” được nhập theo đường tiểu ngạch, được các đầu nậu lớn gom từ thị trường nước ngoài, đổ cho các cửa hàng. Ở đây, các cửa hàng kiêm luôn vai trò là nhà bảo hành sản phẩm.
Thế Giới Di Động, FPT Shop “ôm gọn” thị trường di động chính hãng
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường GfK, quy mô thị trường di động tại Việt Nam là khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong số này, 2 ông lớn là Thế Giới Di Động và FPT Shop nắm giữ khoảng 70% thị phần.
Năm 2018, Thế Giới Di Động công bố cứ 2 smartphone bán ra tại Việt Nam thì có một máy là từ siêu thị của họ. Trong khi đó, FPT Shop nắm khoảng 18-20% thị phần, và rất thành công với các sản phẩm có giá trị cao như iPhone.
Khoảng 30% thị phần còn lại chia cho các hệ thống bán lẻ cỡ lớn khác như Nguyễn Kim, Viễn Thông A (đã về tay Vingroup), chuỗi VinPro+, một số đại lý cỡ trung (trong đó có Nhật Cường), và hàng chục nghìn cửa hàng nhỏ lẻ trên toàn quốc.
Chỉ cách đây khoảng 5 năm, bức tranh thị trường rất khác so với bây giờ khi các cửa hàng nhỏ lẻ chiếm đến 40% thị phần, Thế Giới Di Động khoảng 30% trong khi các hệ thống còn lại chiếm 40%.
Cạnh tranh của nhóm hệ thống bán lẻ cỡ trung
So với di động chính hãng, thị trường xách tay khá phức tạp và cũng biến động mạnh mẽ hơn. Nếu như trước đây, để kinh doanh smartphone xách tay, cửa hàng cần có mối quen tại Trung Quốc, Hong Kong (2 thị trường chính để gom máy xách tay về nước), hoặc ra Móng Cái (Quảng Ninh) để “đánh hàng” về thì trong những năm gần đây, mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều.
Theo một dân buôn lâu năm trong nghề, họ hiện làm việc với một vài “đầu nậu” lớn để nhập máy móc. Các đầu nậu này thường sẽ nhắn tin, gọi điện để chào hàng các sản phẩm mà họ có, việc của các cửa hàng chỉ là chọn xem nên kinh doanh sản phẩm nào, số lượng nhập về bao nhiêu.
Trước đây, số lượng mặt hàng kinh doanh cũng rất phong phú gồm iPhone, các sản phẩm chạy Android từ LG, Sony, Pantech (Sky), Xiaomi vv... Còn thời điểm hiện tại, mặt hàng xách tay phổ biến nhất chỉ còn là iPhone. Đây cũng là sản phẩm dễ giao dịch, bảo hành, thay thế linh kiện nhất trên thị trường xách tay.
Nếu như các hệ thống lớn chỉ kinh doanh smartphone chính hãng thì có một số hệ thống cỡ trung như Nhật Cường, CellPhoneS hay Hoàng Hà Mobile chọn cách kinh doanh cả máy chính hãng và xách tay, trong đó sản phẩm xách tay chủ đạo chính là iPhone.
Đây là những hệ thống có số lượng cửa hàng khoảng vài đến vài chục, nhỏ hơn rất nhiều nếu so với các ông lớn như Thế Giới Di Động và FPT Shop. Nhưng lượng máy bán ra của các chuỗi cửa hàng này không hề nhỏ. Họ cũng có tiếng nói khá lớn trên thị trường bán lẻ di động và được nhiều người biết đến với ngân sách quảng cáo khá khổng lồ qua nhiều kênh.
Thời điểm 2012-2014, Nhật Cường được xem là cái tên đình đám trong làng bán lẻ di động ở Hà Nội. Hệ thống này nổi tiếng với những cửa hàng ở vị trí đẹp, bán điện thoại đắt tiền, iPhone và các nhân viên nữ có gương mặt khả ái. Khi truy cập website của hệ thống này, bạn sẽ thấy dòng chữ “số một về iPhone”.
Tuy nhiên, theo một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, Nhật Cường không còn chú trọng vào bán lẻ điện thoại những năm gần đây. Thay vào đó, họ chuyển sang mảng phần mềm và chỉ “bán điện thoại cho vui”.
“Với lợi thế thương hiệu từ nhiều năm trước, tên miền giá trị (dienthoaididong.com), mặt bằng đẹp, Nhật Cường hoàn toàn có thể phát triển thành một thương hiệu lớn hơn bây giờ rất nhiều”, người này nói.
Thực tế, nhóm hệ thống bán lẻ tầm trung này đã thử nhiều cách để mở rộng kinh doanh, khuếch trương thương hiệu. Nhưng phần lớn đều thừa nhận họ không thể vươn đến tầm của những ông lớn trên thị trường.
Do đó, nhóm này hiện có xu hướng chấp nhận mô hình hiện tại và tối ưu hóa tập khách hàng vốn có của mình. Họ cũng nhận ra thị trường di động đã bão hòa và khó có đà phát triển. Nhiều ông chủ các hệ thống này từ cách đây vài năm đã lấn sân sang các mảng kinh doanh khác.
Nhóm cửa hàng nhỏ lẻ
Ngoài 2 nhóm kể trên, thị trường bán lẻ Việt Nam còn xuất hiện vô số những cửa hàng nhỏ lẻ, kinh doanh theo dạng cá thể hoặc hộ gia đình với 1-2 cửa hàng, số lượng nhân viên dưới 20 người. Đây được xem là nhóm phức tạp nhất trên thị trường, và gây ra nhiều “phốt” nhất.
Theo thống kê của Thế Giới Di Động, số lượng cửa hàng kinh doanh dạng này trên toàn Việt Nam không dưới 10.000 nhưng đang có xu hướng thu hẹp lại. Dễ hiểu khi nhiều cửa hàng trong số này phải đóng cửa vì áp lực cạnh tranh từ các ông lớn, thị trường bão hòa.
Mặt hàng kinh doanh của các cửa hàng này khá đa dạng, từ một số dòng máy chính hãng giá rẻ, iPhone, điện thoại cũ, phụ kiện và cả dịch vụ sửa chữa. Những màn phá giá thị trường, chào giá ảo (chào giá rẻ, khi người dùng đến mua lại bán giá khác), bán máy kém chất lượng chủ yếu đến từ nhóm các cửa hàng này.
Theo Tiến Dũng (Tri Thức Trực Tuyến)