Fugaku được đồng phát triển bởi Riken và công ty Fujitsu, với sự hậu thuẫn của chính phủ Nhật Bản, có tốc độ xử lý lên tới 415,53 petaflops hay 415,53 triệu tỷ phép tính trong một giây - gấp 2,8 lần siêu máy tính nhanh nhất thế giới năm 2019 của Mỹ, IBM Summit, tại phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở bang Tennesse.
Danh sách Top500 được bình chọn hai lần một năm dựa trên tốc độ xử lý trong bài kiểm tra điểm chuẩn do các chuyên gia từ Đức và Mỹ thiết lập. IBM Summit đã dẫn đầu 4 lần liên tiếp trong hai năm qua trước khi bị Fugaku vượt mặt.
Fugaku trong tiếng Nhật có nghĩa là núi Phú Sĩ. Hệ thống máy tính này đã được phát triển trong sáu năm và dự kiến bắt đầu hoạt động toàn thời gian từ tháng 4/2021. Tuy nhiên, nó đã được sử dụng để nghiên cứu về cuộc khủng hoảng Covid-19, bằng cách chạy mô phỏng quá trình giọt bắn lan truyền trong không khí ở các môi trường như văn phòng và tàu điện.
Siêu máy tính là công cụ quan trọng trong việc nghiên cứu khoa học tiên tiến vì có khả năng thực hiện các tính toán nhanh chóng ở mọi lĩnh vực, từ dự báo thời tiết đến phát triển tên lửa. "Tôi hy vọng các công nghệ hàng đầu được trang bị cho Fugaku có thể giúp chúng ta giải quyết những thách thức xã hội như Covid-19" - Satoshi Matsuoka, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Riken, cho biết trong một tuyên bố.
Bên cạnh Top500, Fugaku cũng đã đứng đầu một số bảng xếp hạng hiệu suất siêu máy tính khác như Graph500, HPCG và HPL-AI và trở thành hệ thống máy tính đầu tiên xếp hạng nhất trong cả bốn danh sách này.
Cuộc chạy đua siêu máy tính nhanh nhất thế giới trong gần một thập kỷ qua bị thống trị bởi Mỹ và Trung Quốc. Fugaku là đại diện đầu tiên của Nhật Bản đạt danh hiệu này kể từ năm 2012.
Duy Anh (Nguoiduatin.vn)