Văn hóa 996 ngụ ý thời gian làm việc từ 9 giờ sáng tới 6 giờ chiều, 6 ngày mỗi tuần. Mới đây, một chiến dịch trực tuyến đã được tổ chức, khuyến khích nhân viên công nghệ chia sẻ thông tin về giờ làm việc của mình trên bảng tính công khai. Tính đến ngày 13/10, bảng tính đã nhận được hơn 3.500 bản ghi, trong đó có dữ liệu từ những người đang làm cho các hãng Internet lớn như Alibaba, Tencent, ByteDance, Meituan.
Thông tin được chia sẻ bao gồm chức danh công việc, vị trí, thời gian bắt đầu và kết thúc ngày làm việc, giờ ăn trưa, số ngày làm việc mỗi tuần.
Theo một trong những người khởi xướng chiến dịch, bảng tính có tên WorkingTime thu hút hơn 10 triệu lượt xem. Người này muốn giúp những ai đang tìm việc làm hiểu rõ hơn về văn hóa làm việc trong ngành. Không ai trong nhóm tổ chức tiết lộ tên thật.
Người sáng lập viết: “Làm thêm giờ vẫn thịnh hành với các công ty nội và không bị giám sát, đặc biệt trong số các doanh nghiệp Internet. Chúng tôi hi vọng có thể góp sức tẩy chay 996 và phổ biến 955”.
Trung Quốc liên tục ghi nhận làn sóng phản đối lịch trình làm việc hà khắc của ngành công nghiệp Internet trong vài năm gần đây, các nhà chức trách cũng chỉ trích hiện tượng này nhưng hầu như không có thay đổi.
Năm 2019, một người dùng ẩn danh, tự nhận là nhà phát triển Trung Quốc, phát động cuộc biểu tình trực tuyến trên GitHub, cho rằng bất kỳ ai làm theo 996 sẽ kết thúc cuộc đời trong phòng chăm sóc đặc biệt. Động thái thu hút sự chú ý rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội xứ Trung và khiến một số trình duyệt web phải hạn chế truy cập GitHub.
Tháng 1 năm nay, một nữ nhân viên 22 tuổi tại Pinduoduo chết trên đường đi làm về lúc nửa đêm, tiếp tục làm dấy lên tranh cãi.
Khi Bắc Kinh tăng cường quản lý Big Tech trong năm qua, các nhà chức trách dường như đưa ra lập trường cứng rắn hơn chống lại 996. Vào tháng 8, Tòa án Nhân dân tối cao và Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội ra thông báo chung, nêu chi tiết 10 vụ việc liên quan tới tranh chấp lao động, bao gồm một vụ đuổi nhân viên vì từ chối làm việc 996. Một ủy ban trọng tài xem việc sa thải là vi phạm pháp luật.
Theo luật pháp Trung Quốc, nhân viên được trả lương làm thêm giờ, tối đa 36 giờ/tháng. Tuy nhiên, việc giám sát sử dụng lao động vẫn lỏng lẻo, khiến nhiều người phải chấp nhận làm thêm dù vượt khung.
Bất chấp một số ông lớn hứa hẹn giảm giờ làm, vài nhân viên tiết lộ khối lượng công việc của họ vẫn rất “ác liệt”, thậm chí phải làm cả cuối tuần.
Theo Du Lam (VietNamNet)