Theo Wall Street Journal, trong bài phát biểu hôm 4/10, ông Mike Pence - Phó tổng thống Mỹ cho rằng Google nên từ bỏ việc phát triển công cụ tìm kiếm dành riêng cho Trung Quốc mang tên Dragonfly. Bài phát biểu của ông là lời cảnh tỉnh đầu tiên từ phía chính quyền Mỹ đối với tập đoàn công nghệ cao này.
"Google nên dừng ngay việc tìm cách thâm nhập vào thị trường Trung Quốc bằng cách này", Mike Pence nhận xét.
Dragonfly, công cụ tìm kiếm dành riêng cho Trung Quốc có thể sẽ ra mắt dưới dạng ứng dụng di động. Khi sử dụng phiên bản Google Search Trung Quốc, người dùng không thể tìm thấy các nội dung "nhạy cảm" liên quan đến chính trị.
Theo Intercept, Google đã nghiên cứu kĩ các từ khóa bị cấm ở đất nước này, tạo điều kiện cho việc phát triển Dragonfly. Không những thế, ứng dụng Android trên còn bắt người dùng để lộ số điện thoại, cho phép chính phủ dễ dàng kiểm soát.
Cho tới thời điểm này, Google vẫn chưa có những động thái hay bình luận rõ ràng về vụ việc trên. CEO Sundar Pichai của Google ra sức bào chữa cho Dragonfly bằng cách cho rằng mọi người không nên phán xét một công cụ chỉ đang trong giai đoạn phát triển.
"Hiện chúng tôi vẫn chưa có ý định cho ra mắt bất cứ ứng dụng tìm kiếm tại Trung Quốc", Sundar Pichai nhấn mạnh.
Vị CEO cho rằng động thái nghiên cứu từ khóa bị cấm tại Trung Quốc là nhiệm vụ cần thiết của Google.
"Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới. Việc nghiên cứu và học hỏi đất nước này có gì khác với phần còn lại của thế giới giúp dịch vụ của chúng ta càng hoàn thiện hơn", Sundar Pichai nói.
Ngày 17/8, hàng trăm nhân viên của Google tỏ ra vô cùng thất vọng khi biết công ty quyết định phát triển một công cụ tìm kiếm chịu sự kiểm duyệt tại Trung Quốc. Thậm chí, họ đã ký một bức thư yêu cầu sự minh bạch trong công việc và đạo đức nghề nghiệp.
Trong bức thư, các nhân viên đã viết rằng dự án và sự tuân thủ của Google theo các yêu cầu kiểm duyệt từ Trung Quốc đang làm "dấy lên các vấn đề về đạo đức". Họ cho biết thêm "hiện chúng tôi không có đủ thông tin cần thiết để hiểu về công việc, dự án và những điều chúng tôi đang làm".
Bức thư trên đang được lưu hành nội bộ trên hệ thống của Google và nhận được hơn 1.400 chữ ký từ các nhân viên.
Thậm chí, một số nhân viên kỳ cựu của Google đã phản đối bằng cách nghỉ việc tại tại đây. Theo Intercept, ngay sau khi bức thư được công bố, đã có khoảng 5 người nộp đơn bỏ việc.
"Tôi không thể chịu nổi khi Google tự hạ mình đổi quyền kiểm duyệt và bảo mật thông tin lấy một thị trường như Trung Quốc", Jack Poulson, cựu chuyên viên phân tích dữ liệu của Google nói.
Theo Anh Thi (Tri Thức Trực Tuyến)