Theo thông tin từ Bloomberg, bản dự thảo chỉ đạo các cơ quan hành pháp và chống độc quyền liên bang “điều tra thấu đáo xem liệu có bất cứ nền tảng trực tuyến nào vi phạm luật chống độc quyền hay không”.
Trong vòng một tháng sau khi sắc lệnh được ký, các cơ quan chính phủ cũng sẽ phải đề xuất biện pháp nhằm “bảo vệ sự cạnh tranh giữa các nền tảng trực tuyến và giải quyết vấn đề thiên vị đối với các nền tảng này”.
“Bởi vai trò quan trọng của họ trong xã hội Mỹ, điều cần thiết là bảo vệ công dân khỏi những hành động chống cạnh tranh của các nền tảng trực tuyến chiếm ưu thế”, Bloomberg trích sắc lệnh.
Tài liệu này cho biết thêm nguy hại đối với người tiêu dùng có thể xảy ra khi có “hoạt động thiên vị”. Đây cũng là một nội dung then chốt trong các cuộc điều tra chống độc quyền.
Hồi tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo các hãng công nghệ lớn nên "cẩn thận", đồng thời chỉ trích những kết quả tìm kiếm mà ông cho là "giả dối". Tổng thống Mỹ phàn nàn rằng từ khóa "tin tức về Trump" trên Google hầu hết chỉ đưa ra những câu chuyện tiêu cực về ông.
Kết quả tìm kiếm của Google dựa trên những thuật toán phân tích các yếu tố như lịch sử duyệt web của người dùng hay địa điểm. Giới phân tích nhận định có rất ít bằng chứng cho thấy Google thay đổi kết quả vì lý do chính trị. Nếu họ làm điều này, Tổng thống cũng ít có khả năng sử dụng luật bảo vệ tự do ngôn luận trong hiến pháp để xử lý.
Theo Kim Dung (Sohuutritue.net.vn)