Foxconn đang đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc do dây chuyền sản xuất iPhone chuyển sang các khu vực khác. Những tác động lên ngành công nghiệp đã được thể hiện rõ trong một video mới.
Apple từ lâu đã vận hành hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, nhưng những năm gần đây họ đã chuyển hướng sang các nước khác. Việc sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam đang gia tăng, trong khi ít sản phẩm được lắp đặt tại Trung Quốc hơn.
Video do kênh China Observer đăng tải hôm 29/4 đã quay lại hình ảnh vắng vẻ tiêu điều tại khu công nghiệp Foxconn Nam Ninh. Từng tuyển dụng 50.000 người, giờ đây nhà máy này gần như trở thành nhà hoang. Theo AppleInsider, do hoạt động của Apple chuyển sang các quốc gia khác, năng lực sản xuất ở Trung Quốc bị cắt giảm, dẫn đến việc đóng cửa nhà máy này.
Một người dân cho biết nhà máy này từng cần nguồn lương thực lớn để phục vụ 50.000 công nhân viên, bao gồm 60 tấn gạo, 280 con lợn, 1,2 triệu quả trứng và 80.000 con gà mỗi ngày.
Không chỉ thị trấn hoang nơi chính nhà máy này tọa lạc, các khu vực lân cận cũng chịu sự ảnh hưởng. Nhiều tòa nhà cao tầng gần đó được xây dựng để làm nơi ở cho công nhân viên nhà máy đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người thuê, ngay cả khi đã giảm giá mạnh.
Người dân địa phương không có nhiều hy vọng rằng Foxconn sẽ sớm vận hành lại nhà máy này vì các biển hiệu đã bị gỡ bỏ. Họ cho biết, chỉ có một số tòa nhà vẫn đang được Foxconn sử dụng, còn phần lớn bị bỏ trống hoặc cho thuê.
Nhà máy mục nát và hoang tàn là dấu hiệu cho thấy Foxconn đã thực hiện những thay đổi đối với hoạt động sản xuất của mình. Đặc biệt là khi Apple muốn chuyển đổi dây chuyền sản xuất phân tán ở nhiều quốc gia, thay vì chỉ tập trung ở Trung Quốc.
Một số hoạt động ở các nước khác thậm chí còn được hưởng lợi từ việc đóng cửa. Nguồn tin cho biết, thiết bị từ các nhà máy tại Trung Quốc đã được đưa đến các nhà máy tương tự ở Việt Nam.
Đối với địa phương, việc đóng cửa chứng tỏ hoạt động sản xuất của Apple mang lại cho khu vực này nguồn lợi lớn đến mức nào, đồng thời cũng cho thấy điều đó có thể biến mất nhanh như thế nào. Nếu không có bất kỳ ngành công nghiệp dự phòng nào khác, các biến cố có thể gây tổn hại vô cùng lớn.
Theo PV (Nguoiduatin.vn)