Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (gọi tắt là Nghị định thay thế), một trong những nội dung được đề xuất là cắt đường truyền Internet đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm khi cung cấp thông tin trên mạng.
Đây là giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả xử lý đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác.
Theo cơ quan soạn thảo nghị định thay thế là Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), đây là biện pháp xử lý mạnh tay và cần thiết để hạn chế việc cung cấp các nội dung vi phạm trên Internet trong một số tình huống cụ thể.
Đồng tình với chủ trương cắt Internet đối với người vi phạm
Trao đổi với VietNamNet về dự thảo Nghị định thay thế, trong đó có đề xuất cắt đường truyền Internet đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đại diện một nhà mạng lớn cho biết hoàn toàn đồng tình với các quy định mới theo đề xuất của Bộ TT&TT.
Đơn vị này cho rằng, chính sách phát triển, quản lý Internet của Nhà nước nghiêm cấm cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Internet sẽ luôn phải tuân thủ và chấp hành mọi quy định của pháp luật hiện hành.
“Trong trường hợp nhận được yêu cầu xử lý từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, phía đơn vị luôn sẵn sàng phối hợp ngăn chặn các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật trên mạng Internet. Việc xây dựng môi trường lành mạnh, bảo vệ người dùng là điều cần thiết để mang lại lợi ích cho khách hàng. Đây cũng là điều mà chúng tôi hướng tới”, đại diện nhà mạng chia sẻ.
Bình luận về quy định mới, đại diện nhà mạng Viettel cho biết, đơn vị sẽ tuân thủ hoàn toàn các chỉ đạo của cơ quan quản lý và quy định của pháp luật về việc dừng dịch vụ hoặc thanh lý hợp đồng. Điều này được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Đề xuất có hướng dẫn cụ thể việc xử lý "ngắt Internet"
Chia sẻ với VietNamNet, bộ phận thanh tra, pháp chế của một nhà mạng lớn cho hay, khi có đề xuất từ phía Bộ TT&TT về việc cung cấp thông tin hoặc tạm dừng cung cấp dịch vụ đối với khách hàng vi phạm pháp luật, đơn vị sẽ tuân thủ.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhà mạng, đơn vị đang gặp một chút vướng mắc khi hiện có nhiều cơ quan, đơn vị gửi văn bản yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin và dừng dịch vụ Internet đang cấp cho người dùng.
Nhà mạng đề xuất, nên có một quy định rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền quyết định, hình thức thông báo và phương thức thực hiện đối với việc yêu cầu cung cấp thông tin và tạm dừng cung cấp dịch vụ Internet để doanh nghiệp có phương án triển khai.
Lấy ví dụ, vị đại diện nhà mạng dẫn chứng Nghị định 117/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nếu Nghị định thay thế được thông qua, Bộ TT&TT nên có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, tạm dừng dịch vụ. Điều này sẽ giúp tạo sự thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp trong việc phối hợp, thực hiện yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)