Theo đó, các đối tượng mạo danh các đơn vị này gọi điện thoại thông báo hoặc dọa chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Nhà mạng khuyến cáo khách hàng cảnh giác, thận trọng kiểm tra kỹ thông tin và tuyệt đối không chuyển tiền khi nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo nêu trên.
Hình thức lừa đảo này cũng từng được VinaPhone (VNPT) khuyến cáo tới khách hàng vào tháng 6-2018. Cụ thể, khi có cuộc gọi đến điện thoại, người dùng nhấc máy sẽ nghe hộp thư tự động thông báo có bưu phẩm đang chờ nhận, hoặc đang nợ cước và hướng dẫn khách bấm phím 9 hoặc phím nào đó để được biết thông tin chi tiết.
Sau khi bấm phím 9 sẽ gặp người thật giới thiệu là người của các đơn vị chuyển phát nhanh hoặc nhân viên VNPT trao đổi làm rõ các thông tin về bưu phẩm đang chờ phát, số cước đang nợ… Tùy theo phản ứng của khách hàng, đối tượng lừa đảo sẽ lấy thông tin cá nhân chi tiết của khách hàng và hướng dẫn chuyển tiền đến một tài khoản để trả nợ hay đóng phí nhận bưu phẩm. Nếu khách hàng nói không biết hoặc thắc mắc vụ việc, khách hàng sẽ được đối tượng thông báo cho kết nối đến đường dây nóng của công an.
Sau vài lần thông báo tự động là đang kết nối với đường dây nóng của cơ quan công an thì xuất hiện người giả danh công an yêu cầu khách hàng xác nhận thông tin cá nhân. Sau đó lại dùng thủ đoạn hù dọa, thông báo tài khoản, thông tin của khách hàng liên quan đến tội phạm đang bị điều tra, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của lãnh đạo cơ quan để xác minh.
Chúng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp số điện thoại để liên lạc khi cần và yêu cầu nạn nhân giữ bí mật vì vụ án đang điều tra. Sau khi khách hàng chuyển tiền các đối tượng lừa đảo sẽ rút tiền ở nước ngoài vì tài khoản của chúng thường dùng là tài khoản thẻ ghi nợ quốc tế.
Trước đó, Ngân hàng Maritime Bank cũng vừa khuyến cáo về hiện tượng hiện nay có một số đối tượng lừa đảo lan truyền thông tin có thể vay tín chấp tại Maritime Bank bằng các loại sim điện thoại như: Viettel, Mobifone,... nhằm mục đích bán sim giá cao.
Theo Viết Thịnh (Pháp Luật TPHCM)