Rầm rộ trên mạng xã hội
Những hình ảnh này được tạo ra nhờ AI (trí tuệ nhân tạo) qua ứng dụng Loopsie. Theo đó, Loopsie là ứng dụng chỉnh ảnh, video với nhiều chủ đề có sẵn thú vị. Người dùng chỉ cần đưa những tấm ảnh mình chụp hoặc ảnh tải trên mạng lên để AI của chương trình tự xử lý.
Đây là một ứng dụng trả phí, nhưng cho phép người dùng sử dụng miễn phí trong vòng 3 ngày đầu tiên. Mức phí sau đó sẽ có giá là 199.000 đồng/tuần hoặc 229.000 đồng/tháng tuỳ vào lựa chọn của người dùng.
Để sử dụng, người dùng cần tải ứng dụng trên App Store với dung lượng gần 200 MB, đồng thời cho phép ứng dụng truy cập vào kho ảnh. Thử nghiệm thực tế cho thấy, việc tạo một ảnh chỉ mất khoảng 20-30 giây, có bề ngang tối đa 1.024 pixel.
Ứng dụng tạo ảnh theo phong cách hoạt hình Anime này đang biến thành trào lưu gây sốt tại Việt Nam. Chỉ sau vài giây, người dùng đã có được những bức ảnh đẹp theo phong cách Anime chia sẻ lên mạng xã hội. Vì vậy mà những ngày gần đây, Facebook tràn ngập những hình ảnh mang phong cách này.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia) cho hay, phần mềm đổi ảnh sang hoạt hình có thể rất thú vị và hấp dẫn, nhưng cũng có một số nguy cơ mà người dùng cần phải cân nhắc.
Rủi ro bảo mật
Theo đó, một số ứng dụng có thể thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng và sử dụng nó cho các mục đích không mong muốn, bao gồm việc bán dữ liệu cho bên thứ ba.
Nếu ứng dụng không được tải xuống từ nguồn đáng tin cậy thì có sẽ bị nhiễm mã độc hoặc bị đánh cắp thông tin, chưa kể nếu nhà phát triển phần mềm không kiểm thử bảo mật cho ứng dụng, thì hacker có thể đánh cắp dữ liệu và thông tin hình ảnh của người dùng.
Đáng nói, theo chuyên gia, khi sử dụng ảnh của mình trong các ứng dụng này, đôi khi người dùng có thể không rõ ràng về việc ai sẽ sở hữu quyền đối với hình ảnh đã được chỉnh sửa. Một số ứng dụng có thể yêu cầu phí hoặc có các chi phí ẩn mà người dùng không nhận biết ngay lập tức.
“Ảnh hoạt hình có thể được sử dụng sai mục đích, chẳng hạn như tạo các tài khoản giả mạo trực tuyến, trêu đùa, hoặc bôi nhọ danh dự”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Chuyên gia cho biết thêm, việc có nên tiếp tục sử dụng ứng dụng đổi ảnh sang hoạt hình hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ tin cậy của ứng dụng, mục đích sử dụng, và mức độ quan tâm đối với quyền riêng tư và bảo mật.
Nếu ứng dụng có đánh giá tốt và đến từ một nhà phát triển uy tín, nguy cơ liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư có thể thấp hơn.
Người dùng nên đọc kỹ chính sách bảo mật của ứng dụng để hiểu cách dữ liệu của người dùng được sử dụng và bảo quản.
“Nếu người dùng chỉ sử dụng ứng dụng cho mục đích cá nhân và không chia sẻ thông tin đến người khác, nguy cơ có thể thấp hơn so với việc sử dụng ảnh cho các mục đích công cộng.
Hãy xem xét việc sử dụng các cài đặt bảo mật và quyền riêng tư có sẵn (nếu có) để kiểm soát cách dữ liệu của người dùng được sử dụng”, chuyên gia khuyến cáo.
Nếu người dùng có những lo ngại đặc biệt về quyền riêng tư hoặc bảo mật, có thể người dùng sẽ muốn cân nhắc việc sử dụng các ứng dụng khác có uy tín cao hơn hoặc không sử dụng loại ứng dụng này.
Theo Hoàng Chiến (Đại Đoàn Kết)