Vào lúc 22h tối 4/10, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra đối với mạng xã hội Facebook và công cụ nhắn tin Messenger. Theo đó, phản ánh của nhiều người dùng Facebook cho thấy, việc truy cập vào Facebook phiên bản web hoàn toàn không thể thực hiện được. Với ứng dụng Facebook trên di động, tuy vẫn truy cập được, người dùng không thể tải về những nội dung thông tin mới trên bảng thông báo.
Chia sẻ với Pv. VietNamNet, chị Hà Ngân (Antwerpen, Vương quốc Bỉ) cho biết, từ cuối giờ chiều ngày 4/10 (giờ địa phương) chị đã không thể truy cập được vào các ứng dụng phổ biến như Facebook hay Instagram. Điều tương tự cũng xảy ra với ứng dụng WhatsApp và Messenger khi những tin nhắn gửi đi đều không thể thực hiện được.
Sự cố nói trên cũng đã được ghi nhận ở quy mô toàn cầu khi số liệu từ trang DownDetector cho thấy, kể từ cuối giờ khuya ngày 4/10 (giờ Việt Nam) việc truy cập vào các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, WhatsApp hay Messenger đều không thể thực hiện theo cách thông thường.
Vấn đề phổ biến nhất mà người dùng gặp phải là không thể truy cập vào website, app hay kết nối với server của những nền tảng cung cấp dịch vụ nhắn tin OTT và mạng xã hội. Thống kê của DownDetector cũng chỉ ra rằng, không chỉ ở Việt Nam, sự cố trên cũng đang xảy ra với quy mô toàn cầu và phạm vi ảnh hưởng bao trùm trên hầu khắp các quốc gia tại Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ.
Bên cạnh việc không thể truy cập vào các trang mạng xã hội như thông thường, đến lúc này, nhiều người sử dụng mới cảm thấy sự phụ thuộc của mình vào những ứng dụng phổ biến như Facebook, Instagram, Messenger hay WhatsApp.
Trao đổi với Pv. VietNamNet, chị Hà Ngân (Vương quốc Bỉ) cho biết, việc liên lạc của chị với các bạn bè tại đây gần như đã tê liệt hoàn toàn. “Công cụ nhắn tin duy nhất mà tôi có thể sử dụng lúc này là Zalo. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể dùng Zalo để liên lạc với bạn bè trong nước chứ không thể kết nối với bạn bè quốc tế.”.
Với một người dùng khác là anh Đức Mạnh (Osaka, Nhật Bản), anh cho biết, sự cố nói trên thực sự ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh. Sau những phút đầu khá bế tắc khi không thể kết nối với bạn bè, rất may là anh vẫn có thể giữ liên lạc thông qua những nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Nhật khác như Line hay Twitter.
Là một người thường xuyên sử dụng công cụ chat nhóm trên Messenger để phục vụ cho công việc, theo anh Minh Huy (Cầu Giấy, Hà Nội), đến lúc này, bản thân anh và các đồng nghiệp mới ý thức được rằng mình đã quá phụ thuộc vào Facebook và Messenger.
Làm việc trong mảng truyền thông, công việc của anh Huy đòi hỏi thường xuyên phải giữ liên lạc để nhận ý kiến chỉ đạo từ cơ quan. Tuy nhiên, “Khi Facebook gặp sự cố, những người có tuổi trong cơ quan tôi gần như không biết phải sử dụng nền tảng nào ngoài cách gọi thoại thông thường để giữ liên lạc.”, anh chia sẻ.
Tuy chỉ là một sự cố gây ảnh hưởng tới người dùng Facebook, có một thực tế là đã có quá nhiều người bị tác động tiêu cực bởi sự cố này. Đây là điều đáng phải suy nghĩ trong bối cảnh Facebook hay Messenger hoàn toàn có thể gặp phải vấn đề nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, đến đầu giờ sáng 5/10 (giờ Việt Nam), việc truy cập và sử dụng Facebook, Messenger, Instagram hay WhatsApp vẫn hoàn toàn bị tê liệt.
Theo thống kê của Wearesocial, các ứng dụng như Facebook, Instagram, WhatsApp và Messgenger đang là những ứng dụng phổ biến nhất trên mạng Internet năm 2021. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt khi những nền tảng này đều thuộc sở hữu của Facebook.
Nếu tính riêng tại Việt Nam, có tới 91,7% số người dùng Internet sử dụng Facebook. Con số này là 75.8% với người sử dụng Messenger và 53,5% người sử dụng Instagram. Trong top 15 ứng dụng phổ biến nhất Việt Nam năm 2021, Zalo là ứng dụng Việt Nam duy nhất được nhắc đến.
Với 76,5% lượng người dùng Internet Việt sử dụng Zalo, đây cũng đã trở thành kênh liên lạc chính với nhiều người khi Facebook gặp sự cố. Sự cố lần này của Facebook cũng cho thấy, người dùng nên sử dụng đa nền tảng nhiều hơn thay vì chỉ phụ thuộc vào một nhà cung cấp dịch vụ duy nhất. Đến lúc này, nhiều người cũng đã hiểu vì sao nên cài các mạng xã hội Make in Vietnam trên điện thoại của mình.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)