Bộ TT&TT đang triển khai công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao người dùng di động. Mục đích của việc làm này là đảm bảo thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, từ đó giải quyết tình trạng sử dụng SIM thuê bao di động không đúng quy định.
Theo đó, 31/3 là thời hạn phải hoàn thành việc chuẩn hóa thông tin thuê bao. Các nhà mạng sẽ nhắn tin thông báo cho những thuê bao có thông tin chưa trùng khớp trong 5 ngày liên tiếp.
15 ngày sau khi kết thúc thông báo, thuê bao có thông tin chưa đúng sẽ bị dừng hoạt động một chiều. Sau 30 ngày, thuê bao sẽ bị dừng hoạt động hai chiều. Sau ngày thứ 60, thuê bao không có thông tin chuẩn xác sẽ bị cắt dịch vụ.
Trước thông tin này, người dùng di động trên khắp cả nước đang tích cực đi chuẩn hóa thông tin thuê bao nhằm đáp ứng hạn chót 31/3 mà Cục Viễn thông đã đề ra.
Ghi nhận của VietNamNet cho thấy, gần đến hạn chót 31/3, ngày càng có nhiều người dùng đến điểm giao dịch của các nhà mạng để tiến hành chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Tại điểm giao dịch của một nhà mạng trên phố Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội), lượng người đổ về đây để được hỗ trợ cao hơn hẳn, so với thời điểm trước khi Cục Viễn thông thông báo về chiến dịch chuẩn hóa thuê bao. Điểm giao dịch này đã làm việc xuyên trưa để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng dịch vụ.
Nếu đến trực tiếp các điểm giao dịch, người dùng di động sẽ được phát số thứ tự và mất một khoảng thời gian chờ đợi trước khi gặp nhân viên chăm sóc khách hàng. Sau đó, họ sẽ được hướng dẫn điền thông tin để tiến hành cập nhật, chuẩn hóa thuê bao.
Trao đổi với PV VietNamNet, chị L.T.H (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, dù không nhận được tin nhắn thông báo từ nhà mạng, thế nhưng do trước đây dùng CMND 9 số để đăng ký, chị vẫn quyết định đi chuẩn hóa thông tin.
“Số điện thoại của tôi liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng, nếu bị khóa sẽ rất rắc rối. Biết là có thể cập nhật thông tin qua app nhưng tôi vẫn muốn đến trực tiếp điểm giao dịch cho yên tâm“, chị H chia sẻ.
Bà N.T.L, (Khâm Thiên, Hà Nội), chủ thuê bao vừa chuẩn hóa thông tin thành công tại một điểm giao dịch trên phố Tôn Đức Thắng cho biết, đây đã là lần thứ 3 bà đi chuẩn hóa thông tin thuê bao. Ở những lần trước, việc phải chờ đợi khá lâu khiến người phụ nữ có tuổi này bỏ cuộc.
“Số máy mà tôi đang sử dụng được một người họ hàng ở miền Nam mua cho. Thông tin thuê bao trên đó cũng là của họ. Tôi bắt buộc phải đi chuẩn hóa thông tin thuê bao nếu không sẽ mất số”, bà N.T.L nói.
Rút kinh nghiệm những lần trước, lần này bà ra sớm, ngay từ đầu giờ chiều nên không phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Các công đoạn từ khai báo thông tin, các số điện thoại thường liên hệ, chụp ảnh... đều được thực hiện khá nhanh.
Trước việc người dùng ngày càng đổ xô đến các điểm giao dịch khi hạn chót chuẩn hoá thông tin thuê bao sắp tới, để giảm tải, một số nhà mạng đã bố trí nhân lực hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa thuê bao qua web và ứng dụng di động ngay tại chỗ. Cách làm này đã tiết kiệm đáng kể thời gian chờ đợi cho người dùng.
Đánh giá về công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao, ông N.Đ.T - một người dùng di động tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, so với đợt đăng ký SIM chính chủ trước đây, thời gian chờ đợi để làm thủ tục tại các quầy giao dịch đã giảm đi nhiều. Vị khách hàng này mong muốn các cơ quan chức năng cần làm thật nghiêm để giải quyết dứt điểm tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Theo số liệu mới nhất từ Cục Viễn thông, tính đến ngày 30/3 đã có hơn 1,9 triệu thuê bao di động thực hiện chuẩn hóa lại thông tin cá nhân. Số tài khoản đã cập nhật lại thông tin chiếm 49,56% lượng thuê bao thuộc diện phải chuẩn hóa.
Cả nước hiện còn khoảng 1,8 triệu thuê bao di động cần chuẩn hóa dữ liệu cá nhân. Bộ TT&TT sẽ không lùi thời hạn chuẩn hóa thông tin thuê bao. Do vậy, những thuê bao này có nguy cơ bị khóa nếu không thực hiện việc cập nhật.
Trong trường hợp nhận được tin nhắn thông báo thông tin thuê bao chưa trùng khớp, người dân cần chủ động chuẩn hóa thông tin để đảm bảo việc sử dụng dịch vụ viễn thông không bị gián đoạn. Để tránh cảnh phải chờ đợi tại các điểm giao dịch, chủ thuê bao nên thực hiện việc tra cứu và chuẩn hóa thông tin thuê bao thông qua ứng dụng và website của các nhà mạng.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)