Theo Cnet, hôm 13/11 vừa qua, Tổ chức biên giới điện tử (Electronic Frontier Foundation - EFF), Trung tâm dân chủ và công nghệ (Center for Democracy and Technology), Liên minh tự do dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union) và hơn 70 nhóm khác đã gửi một bức thư cho Facebook với nội dung yêu cầu Facebook cho phép người dùng kháng cáo nếu bài đăng của họ bị xóa.
Trên thực tế, khi nói đến việc gỡ bỏ nội dung, Facebook thừa nhận không phải lúc nào cũng đưa ra quyết định đúng đắn. Năm 2016, công ty đã xin lỗi vì xóa "nhầm" bức ảnh "Em bé Napalm" (Napalm Girl) cũng như nhiều lỗi nội dung khác.
Hồi tháng 4 năm nay, Facebook bắt đầu cho phép người dùng kháng nghị nếu bài đăng của họ bị xóa vì bị thông báo chứa nội dung ảnh khoả thân, tình dục, ngôn từ kích động thù địch hoặc bạo lực. Nhưng theo bức thư của các nhóm về quyền kỹ thuật số, quy trình kháng cáo của Facebook là "không đủ". Thay vào đó, tất cả người dùng nên có tùy chọn kháng cáo và quyết định phải được thực hiện bởi một người đánh giá chứ không phải là máy tính.
Bức thư cũng yêu cầu Facebook chia sẻ thêm dữ liệu chi tiết lý do tại sao và làm thế nào một bài viết sẽ bị xóa, tỷ lệ lỗi là bao nhiêu và cả số lượng các kháng cáo thành công. Một số nguyên tắc mà các nhóm nghĩ rằng Facebook nên bao gồm trong các quy tắc kiểm duyệt nội dung cũng được đưa ra tham khảo.
"Qua nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi biết rằng người kiểm duyệt nội dung cũng như thuật toán học máy đều dễ bị mắc lỗi. Thậm chí dù tỷ lệ lỗi thấp, nó có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng khi hoạt động ở quy mô lớn", bức thư viết.
Đáp lại, người phát ngôn của Facebook nói: "Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra một quy trình kháng cáo trên Facebook hồi tháng 4 và cũng đã công bố báo cáo minh bạch đầu tiên về hiệu quả làm việc của mình trong việc xóa nội dung xấu. Chúng tôi là một trong số ít công ty thực hiện điều này và mong đợi có thể làm được nhiều hơn trong tương lai".
Nate Cardozo, một luật sư cao cấp của EFF, nói rằng các nhóm về quyền kỹ thuật số đã yêu cầu Facebook thực hiện những thay đổi đó trong quá khứ nhưng công ty đã nhất quyết từ chối.
"Facebook về cơ bản nghĩ rằng họ đang làm tốt việc kiểm duyệt nội dung và không thể sai lầm nhiều hơn nữa", ông nói.
Theo Bảo Nam (VnExpress.net)