An toàn, an ninh mạng đã có bước cải thiện rõ rệt
Chia sẻ tại hội thảo chủ đề “An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia”, ngày 15/6 vừa qua, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT nhận định, công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin tại Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Hệ thống hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đến nay đã cơ bản hoàn thiện, được chi tiết hóa để áp dụng vào thực tế. Hình ảnh về an toàn, an ninh mạng quốc gia những năm gần đây cũng đã được cải thiện rõ rệt, với việc Việt Nam được các tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, liên tục trong 3 kỳ đánh giá gần đây của Liên minh Viễn thông quốc tế, chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI của Việt Nam đã tăng từ 100 lên 50 và hiện xếp thứ 25/194 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cùng với đó, hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam cũng đã được thúc đẩy phát triển. Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được 22/23 nhóm, đạt 95% chủng loại sản phẩm an toàn, an ninh mạng. “Trong an toàn, an ninh mạng, sự tự lực, tự cường, tự chủ về công nghệ là rất quan trọng. Việc này thời gian qua các doanh nghiệp an toàn thông tin trong nước đã làm rất tốt”, ông Trần Đăng Khoa nhận xét.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng của các cơ quan, tổ chức nhà nước cũng đã được quan tâm. Đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã triển khai mô hình bảo đảm an toàn thông tin theo 4 lớp. Trong hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, khoảng 63% đã được phê duyệt hồ sơ đảm bảo an toàn theo cấp độ.
Đáng chú ý, theo Cục An toàn thông tin, Để ngăn chặn và xử lý lừa đảo trực tuyến, việc quan trọng nhất là phải làm sao để người dân, doanh nghiệp không tiếp xúc với các nguồn thông tin độc hại. Với quan điểm này, thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan liên quan ngăn chặn gần 7.000 website vi phạm pháp luật. Trong đó có hơn 2.000 website lừa đảo. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, với việc ngăn chặn như vậy, khoảng 7,7 triệu người dân, tương ứng với hơn 10% người dùng Internet Việt Nam được bảo vệ trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng
Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm qua, đã phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 2.300 chuyên án, khởi tố hơn 1.100 vụ với hơn 1.000 đối tượng và xử phạt hành chính 51 vụ liên quan tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.
“Lĩnh vực an toàn, an ninh mạng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền số quốc gia, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ và bảo vệ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”, đại diện Cục An toàn thông tin nhận định.
Vẫn còn hơn 38% hệ thống thông tin chưa được bảo vệ theo cấp độ
Tuy vậy, trao đổi tại hội thảo, ông Trần Đăng Khoa cũng chỉ ra những hạn chế của công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng cần được khắc phục thời gian tới. Đơn cử như, hiện vẫn còn hơn 38% hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ, tỷ lệ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ còn thấp.
Cùng với đó, nhân sự chuyên trách an toàn, an ninh mạng còn thiếu; năng lực nhân sự cũng chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức về an toàn, an ninh mạng của nhiều cơ quan, tổ chức và người dân còn hạn chế…
Ở góc độ của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA, Phó Chủ tịch Khổng Huy Hùng lưu ý các cơ quan, tổ chức về 2 điểm nổi bật của an toàn thông tin mạng toàn cầu, đó là nhiều nguy cơ “nằm vùng”, tiềm ẩn trong hệ thống từ lâu, nhưng chủ quản hệ thống không biết và xu hướng tấn công vào hệ thống của khối chính phủ vượt cả các tấn công nhắm vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
Với tình hình an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam, ông Khổng Huy Hùng thông tin về một số kết quả đáng chú ý từ khảo sát được VNISA thực hiện cuối năm 2022 với 200 doanh nghiệp, tổ chức.
Cụ thể, 57,8% đơn vị được hỏi tự tin về năng lực an toàn thông tin, còn 42,2% cho biết họ lo ngại về các mối đe dọa an toàn thông tin. Trong 3 yếu tố con người, quy trình và công nghệ, 87% đơn vị tham gia khảo sát cho biết, họ lo lắng hơn cả là nhân lực, con người.
Khảo sát của VNISA cũng cho thấy, có tới trên 71% các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung nhân sự an toàn thông tin trong vòng 2- 3 năm tới. Hơn 75% đơn vị chia sẻ, nhân sự làm an toàn thông tin tại Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu.
“Chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều thách thức với những người làm an toàn thông tin, nhất là trong tình hình mới, khi các ứng dụng AI, Machine learning... ngày càng nở rộ. Trong đó có việc kinh phí, chi phí đầu tư cho an toàn thông tin còn thấp”, ông Khổng Huy Hùng chia sẻ thêm.
Theo Vân Anh (VietNamNet)