CNN đưa tin, Rakesh Gurung, giám đốc sở du lịch địa phương cho biết: "Các công ty du lịch đã sử dụng chip từ lâu, nhưng giờ đây nó là điều bắt buộc đối với tất cả những người leo núi. Chip theo dõi sẽ giúp giảm thời gian tìm kiếm và cứu hộ trong trường hợp xảy ra tai nạn".
Cụ thể, những người leo núi sẽ trả 10-15 USD (khoảng 240 - 360 nghìn đồng) cho mỗi con chip để gắn vào áo khoác của họ. Sau khi người leo núi quay trở lại, con chip sẽ được gỡ bỏ và thu hồi lại để dành cho những người tiếp theo.
Ông Gurung nói thêm, các con chip này được sản xuất tại một quốc gia châu Âu và chia sẻ thông tin với vệ tinh bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
Những người cố gắng chinh phục đỉnh Everest cao 8.849 mét phải đăng ký giấy phép leo núi với mức phí 11.000 USD (hơn 270 triệu đồng) mỗi người. Ngoài ra, họ còn phải thanh toán phí thiết bị, thực phẩm, oxy bổ sung, hướng dẫn viên và nhiều chi phí khác để lên núi tổng cộng lên đến 35.000 USD (hơn 860 triệu đồng).
Tám trong số mười đỉnh núi cao nhất thế giới nằm ở Nepal, giúp quốc gia này có được doanh thu du lịch đáng kể từ hoạt động leo núi.
Có thể mất tới hai tháng để hoàn thành chuyến leo lên đỉnh Everest. Tuy nhiên, chỉ có một khoảng thời gian ngắn có thời tiết thích hợp để leo núi, thường là vào giữa tháng Năm.
Năm 2023, số giấy phép leo núi mà Nepal cấp đã đạt mức kỷ lục là 478 giấy phép. Trong đó có 12 nhà leo núi đã tử nạn và 5 người mất tích. Việc giải cứu tại "nóc nhà thế giới" luôn tiềm ẩn rủi ro ngay cả trong những hoàn cảnh tốt nhất.
Cũng trong năm 2023, Gelje Sherpa (30 tuổi) đã từ bỏ cơ hội lên tới đỉnh Everest của mình, dũng cảm giải cứu một nhà leo núi người Malaysia suýt bỏ mạng ở "vùng tử thần" của Everest. Thời điểm đó, quan chức bộ du lịch - Bigyan Koirala cho biết: "Gần như không thể giải cứu những người leo núi ở độ cao đó".
Theo Trần Trang (Báo Tin Tức)