Trong thư gửi cho các công ty Big Tech ngày 30/3, bốn Nghị sĩ đảng Cộng hòa đã yêu cầu các công ty Big Tech cung cấp bản sao của bất kỳ nghiên cứu hoặc thông tin nội bộ nào liên quan đến đánh giá tác động của các dịch vụ trực tuyến (bao gồm mạng xã hội) đối sức khỏe tâm thần của những người dưới 18 tuổi.
Bức thư yêu cầu các công ty hồi đáp trước ngày 16/4.
Bốn Nghị sĩ đảng Cộng hòa đưa ra yêu cầu này sau phiên điều trần của ủy ban năng lượng và ủy ban thương mại Hạ viện Mỹ hồi tuần trước.
Theo báo VietNamNet, trước đó, CEO Google, Facebook và Twitter xuất hiện trước Quốc hội Mỹ để nói về vai trò của mạng xã hội trong vụ bạo loạn Đồi Capitol hồi đầu năm.
Mở đầu phiên điều trần, Mike Doyle, Chủ tịch Tiểu ban Công nghệ và Truyền thông, cho biết nhân viên của ông dễ dàng tìm thấy nội dung anti vaccine trên Facebook, Instagram, Twitter và YouTube. “Các ông có thể hạ nội dung xuống, giảm lượng tiếp cận, sửa chữa điều đó. Nhưng các ông lựa chọn không làm. Các ông có phương tiện song hết lần này tới lần khác, các ông lựa chọn tương tác và lợi nhuận thay vì sức khỏe và an toàn của người dùng”.
Các nhà lập pháp Mỹ đặt câu hỏi, “có hay không” lãnh đạo ba hãng công nghệ hàng đầu thế giới về vai trò của họ trong kích động người tham gia bạo loạn. Người ta xem các nền tảng mạng xã hội là nơi lan truyền thông tin sai sự thật, kêu gọi bạo lực, dẫn tới cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1 với hy vọng lật ngược kết quả bầu cử.
Chỉ có CEO Twitter Jack Dorsey trả lời “có” song cho rằng cần xem xét “hệ sinh thái rộng hơn”. CEO Google Sundar Pichai khẳng định, công ty luôn cảm thấy có trách nhiệm nhưng đây là câu hỏi phức tạp. CEO Facebook Mark Zuckerberg đáp, công ty chịu trách nhiệm xây dựng “hệ thống hiệu quả”. Ông đổ lỗi cho những người bạo động và cựu Tổng thống Donald Trump.
Nhà chức trách chỉ trích cách tiếp cận với nội dung giả mạo, nguy hiểm của các nền tảng. Dù cả ba công ty trên đều thực hiện nhiều biện pháp hạn chế tin giả, các nhà nghiên cứu chỉ ra tin giả vẫn xuất hiện tràn lan.
Thượng Nghị sỹ Mike Doyle nói: “Chúng tôi chạy trốn khi người bạo loạn tràn vào Đồi Capitol, Quốc hội và quá trình dân chủ của chúng ta. Vụ tấn công đó, phong trào thúc đẩy nó đã được bắt đầu và nuôi dưỡng trên nền tảng của các ông”.
Phiên điều trần ngày 25/3 (giờ địa phương) diễn ra qua mạng trực tuyến với sự tham gia của hai tiểu ban thuộc Hội đồng Thương mại và Năng lượng Hạ viện. Ngoài vụ bạo loạn Đồi Capitol, các Nghị sỹ còn đặt câu hỏi cho ba CEO về sự phổ biến của tin giả vaccine và Covid-19, nêu lên quan ngại về tác động của mạng xã hội đến trẻ em, bao gồm cả câu hỏi về kế hoạch ra mắt phiên bản Instagram cho trẻ dưới 13 tuổi của Facebook.
Đại diện Đảng Dân chủ Frank Pallone – Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Năng lượng nhấn mạnh: “Bản thân mô hình kinh doanh của các ông đã là một vấn đề và thời gian tự quản lý đã kết thúc. Đã tới lúc chúng tôi buộc các ông phải chịu trách nhiệm”.
Một số nhà lập pháp kêu gọi xóa bỏ hoặc cải chính Điều 230 Đạo luật chuẩn mực truyền thông, tấm khiên bảo vệ các nền tảng trực tuyến trước nội dung mà người dùng đăng tải. Một ngày trước khi phiên điều trần diễn ra, Facebook tranh luận Điều 230 nên được viết lại để cho phép các công ty được miễn trừ trách nhiệm với nội dung của người dùng chỉ khi nào họ thực hiện những biện pháp tốt nhất để loại bỏ thông tin độc hại. Pichai và Dorsey cho biết, họ đồng ý với một số đề xuất của Facebook.
Theo truyền thông Mỹ, có nhiều thời điểm phiên điều trần rơi vào căng thẳng. Nhà lập pháp đôi lúc muốn tiết kiệm thời gian nên đã nêu câu hỏi “có hay không” song các CEO đều trả lời rất dài. Trong quá trình làm chứng, Dorsey cập nhật Twitter, dường như để chế giễu các nhà lập pháp. Ông tạo một khảo sát, trong đó người dùng chỉ cần chọn “có” hoặc “không”. Chỉ trong 30 phút, đã có hơn 40.000 bình chọn.
Cho tới nay, các CEO đều đã có kinh nghiệm điều trần trước Quốc hội. Lần xuất hiện gần nhất của Zuckerberg và Dorsey là trước Thượng viện Mỹ vào tháng 11/2020 về quản trị nội dung. Trước đó, Zuckerberg và Pichai điều trần trước Hạ viện mùa hè 2020 về vấn đề độc quyền.
Vài ngày trước khi diễn ra phiên điều trần, các công ty tích cực đưa ra bằng chứng họ nỗ lực chống tin giả như thế nào. Đầu tuần, Facebook cho biết đã xóa 1,3 tỷ tài khoản giả mạo từ mùa thu 2020 và đang có hơn 35.000 người làm công việc quản trị nội dung. Twitter sẽ bắt đầu dán nhãn cảnh báo tin sai sự thật về vaccine ngừa Covid-19 và cấm vĩnh viễn tài khoản vi phạm chính sách Covid-19. YouTube cũng xóa hàng chục ngàn video chứa nội dung sai sự thật về vaccine ngừa Covid-19. Sau vụ bạo loạn Đồi Capitol, công ty tuyên bố cấm các kênh chia sẻ nghi ngờ kết quả bầu cử 2020.
Theo H.H (Nguoiduatin.vn)