Trước những cảnh báo đưa ra từ phía Mỹ, hiện Brazil vẫn chưa quyết định liệu họ có sử dụng các thiết bị 5G của các công ty Trung Quốc hay không.
Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia về Tây Bán cầu, Juan Gonzalez đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng Mỹ đã đề nghị hỗ trợ cho mối quan hệ đối tác giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Brazil để đổi lấy việc loại bỏ thiết bị của Huawei trong mạng 5G của Brazil.
Ông Gonzalez khẳng định rằng đây là hai vấn đề không liên quan đến nhau và không có ý kiến phản đối.
Ông Gonzalez nói: “Chúng tôi ủng hộ nguyện vọng của Brazil với tư cách là một đối tác toàn cầu của NATO, như một cách để tăng cường hợp tác an ninh theo thời gian giữa Brazil và các nước NATO”.
“Chúng tôi lo ngại về vai trò tiềm năng của Huawei trong cơ sở hạ tầng viễn thông của Brazil”, Gonzales nói, đồng thời cho biết thêm rằng Huawei đang phải đối mặt với “những thách thức lớn” đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn của họ, điều này sẽ khiến cho khách hàng quốc tế của Huawei bị ảnh hưởng.
Brazil “không có cam kết nào với chúng tôi” liên quan đến Huawei, ông nói và cho biết thêm rằng các quan chức Mỹ đã thúc giục cả Brazil và Argentina xây dựng các ngành công nghiệp nội địa của họ.
Trước đó, Mỹ cũng đã phản đối việc Brazil sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng viễn thông vì lý do an ninh quốc gia, mặc dù các công ty viễn thông Brazil đã xây dựng mạng lưới của họ phần lớn bằng các linh kiện của Trung Quốc.
Huawei bị đưa vào danh sách đen xuất khẩu của Mỹ vào năm 2019 và bị cấm tiếp cận công nghệ quan trọng có nguồn gốc từ Mỹ, ảnh hưởng đến khả năng thiết kế chip và nguồn linh kiện từ các nhà cung cấp bên ngoài.
Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro trước đó cũng đã ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump phản đối Huawei vì tuyên bố rằng họ chia sẻ dữ liệu bí mật với chính phủ cầm quyền của Trung Quốc. Nhưng với việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, ông đã phải đối mặt với sự phản kháng từ ngành công nghiệp và trong chính phủ của chính mình.
Theo Phan Văn Hòa (VietNamNet)