Theo đó, trong năm tới các quốc gia này sẽ tập trung vào việc thúc đẩy “các đề xuất về công nghệ tương lai như 6G” và tăng cường hợp tác về “các tiêu chuẩn kỹ thuật số”.
Sự hợp tác này sẽ là một phần của thỏa thuận Hiến chương Đại Tây Dương cập nhật do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson ký kết. Phiên bản gốc của tài liệu được ký vào năm 1941 bởi Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Winston Churchill để phác thảo tầm nhìn cho thế giới sau Thế chiến thứ hai.
Ngoài 6G, điều lệ sửa đổi sẽ bao gồm các hợp tác để cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng quan trọng; thúc đẩy các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ lượng tử; và tăng cường khả năng truy cập và luồng dữ liệu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, an toàn công cộng và các quy trình khoa học.
Bộ trưởng Kỹ thuật số Vương quốc Anh Oliver Dowden cho biết trong một tuyên bố rằng, điều lệ sửa đổi “đánh dấu một kỷ nguyên hợp tác mới với đồng minh thân cận nhất của chúng tôi, trong đó chúng tôi cam kết sử dụng công nghệ để tạo ra sự thịnh vượng và đảm bảo sự an toàn và an ninh cho công dân của chúng tôi trong nhiều năm tới”.
Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các nhà nghiên cứu ở Phần Lan và Nhật Bản đạt được thỏa thuận hợp tác về 6G. Trong chương trình hợp tác này, các nhóm công nghiệp của Nhật Bản và Phần Lan đã quyết định thành lập Liên minh 6G do Tổ chức Thúc đẩy ngoài 5G (Beyond 5G Promotion Consortium) của Nhật Bản và Tập đoàn 6G Flagship của Phần Lan khởi xướng nhằm tiến hành nghiên cứu, phát triển chung công nghệ 6G.
Beyond 5G Promotion Consortium là tổ chức có mục đích thương mại hóa công nghệ 6G vào những năm 2030, với các thành viên bao gồm Đại học Tokyo, các công ty viễn thông lớn của Nhật Bản như Nippon Telegraph & Telephone, NTT Docomo, KDDI, SoftBank Corp và Rakuten Mobile. Trong khi đó, 6G Flagship được dẫn dắt bởi Đại học Oulu của Phần Lan.
Trước đó, vào tháng 4 vừa qua, Mỹ và Nhật Bản cũng đã ký một thỏa thuận đầu tư vào “nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và triển khai các mạng an toàn và CNTT-TT tiên tiến bao gồm 5G và các mạng di động thế hệ tiếp theo”, trong đó hai quốc gia đã cam kết chi tổng cộng 4,5 tỷ USD để thực hiện thỏa thuận này. Cũng trong tháng 4, Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ đã đặt vấn đề với 9 gã khổng lồ công nghệ và viễn thông để đưa ra một chương trình hợp tác công - tư mới nhằm đặt nền tảng cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ cho 6G.
Cùng với đó, mới đây chính phủ Mỹ cho biết, họ sẽ theo đuổi việc nghiên cứu và phát triển chung “các công nghệ quan trọng và mới nổi” - bao gồm cả 6G với Hàn Quốc. Một điều đáng chú ý là các quốc gia sẽ đều hướng tới việc phát triển “kiến trúc mạng 5G và 6G mở, minh bạch và hiệu quả bằng cách sử dụng công nghệ Open-RAN”.
Theo Phan Văn Hòa (VietNamNet)