Theo SFGate, phiên đấu giá được nhiều người mong đợi diễn ra ngay tại trụ sở của Twitter ở San Francisco hôm 18/1. Các món đồ được bán gồm nội thất văn phòng, đồ dùng nhà bếp và các loại logo, biểu tượng. Người phát ngôn công ty cho biết việc bán tài sản không liên quan đến tình hình tài chính. Họ đơn giản thanh lý những món đồ dư thừa.
Mặt hàng được kỳ vọng có giá đắt nhất là bức tượng chim xanh cao 3,5 m lại chỉ bán được 12.000 USD. Tuy nhiên màn hình quảng cáo hình chim xanh dài 3 m lại được mua giá 40.000 USD. Hai bức tượng biểu tượng của Twitter khác đã có một rượt đuổi giá căng thẳng trước khi được chốt ở mức 30.000 USD.
Ngoài ra còn hàng trăm mặt hàng được mua từ 25 USD, như thiết bị nhà bếp, xe đạp điện, màn hình... Một chậu cây khắc ký hiệu @ được trả 15.500 USD.
Cuộc đấu giá diễn ra trong giai đoạn doanh thu Twitter giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo từ Platformer. Một tuần trước, các văn phòng của Twitter tại Singapore, Hong Kong và Philippines bị đóng cửa, trong khi nhiều văn phòng khác đang được xem xét.
Trước khi về tay Elon Musk, Twitter có 7.500 nhân sự, nhưng sau đợt cắt giảm cuối năm ngoái, công ty chỉ còn 2.300 người. Tuần trước, trong buổi họp nhân viên, Musk tuyên bố sẽ không giảm thêm nhân sự. Nhưng sau đó, tỷ phú lại cho biết sẽ tiếp tục sa thải.
Reuters dẫn nguồn tin nội bộ rằng 50 nhân sự trong mảng sản phẩm của Twitter dự kiến mất việc hai tuần tới. Nửa tháng trước, hàng chục người thuộc bộ phận quảng cáo, kinh doanh đã bị sa thải. Sau các đợt tinh giản, nhân viên của Twitter có thể sớm giảm xuống dưới 2.000, đồng nghĩa quy mô nhân sự còn nhỏ hơn một thập kỷ trước.
Năm 2013, Twitter ra mắt công chúng với 2.700 lao động. Sau một thập kỷ phát triển, công ty cán mốc hơn 7.500 nhân sự. Khi về tay Musk tháng 10/2022, 75% lao động được cho là đã mất việc. Nhân viên nói họ đã quen với các quyết định đột ngột của ông chủ mới. "Musk chỉ nói những thứ nghe có vẻ phù hợp lúc đó, sau đó thay đổi linh hoạt tùy tình hình", một nhân viên nói.
Trước đó, Elon Musk liên tục than phiền tình hình kinh doanh không mấy khả quan của Twitter. Ông ví mạng xã hội này như máy bay đang lao xuống đất với động cơ bốc cháy. Ông cũng đổ lỗi cho đội ngũ lãnh đạo cũ vì đã chi tiêu quá nhiều. Jack Dorsey, nhà sáng lập và cựu CEO Twitter, cũng lên tiếng nhận lỗi vì đã phát triển công ty quá nhanh, gián tiếp đẩy nhân viên vào tình trạng hỗn loạn hiện tại.
Sau gần ba tháng Musk tiếp quản Twitter, hàng trăm nhà quảng cáo đã rời đi với lý do bất ổn của nền tảng. Phần lớn doanh thu của công ty là từ quảng cáo. Hồi tháng 11/2022, Musk thừa nhận công ty lỗ khoảng bốn triệu USD mỗi ngày. Cắt giảm nhân sự được xem là ưu tiên của Musk nhằm tinh giản bộ máy công ty, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành. Ngoài ra, tỷ phú cũng xóa bỏ hàng loạt phúc lợi cho nhân viên như chăm sóc sức khỏe sinh sản, các bữa ăn được miễn phí. Ông còn trả lại mặt bằng, cải tạo văn phòng thành nơi nghỉ ngơi kết hợp làm việc. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy văn phòng của Twitter đã trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh, có cả gián.
Theo Như Khánh (Saostar.vn)