TikTok là ứng dụng không phải trò chơi được tải xuống nhiều nhất trên toàn thế giới vào tháng 9 năm nay, theo công ty nghiên cứu Sensor Tower của Mỹ. Sự thống trị của ứng dụng video ngắn, thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance của Trung Quốc, có lẽ sẽ không làm nhiều người ngạc nhiên. Nhưng, sự phổ biến của một ứng dụng Trung Quốc khác trong danh sách này thì lại có thể.
Được phát triển bởi Bộ Công an Trung Quốc, "Trung tâm chống gian lận quốc gia" là ứng dụng iOS được tải xuống nhiều thứ hai trong tháng 9 sau TikTok, theo báo cáo của Sensor Tower. Công ty phân tích không tiết lộ số lượt tải xuống của ứng dụng này, nhưng cho biết nó có tính năng giúp công dân chặn những số điện thoại đáng ngờ và báo cáo phần mềm độc hại. Và nó hiện đang nhận được sự quan tâm vượt quá cả YouTube, WhatsApp hay Instagram.
Ứng dụng, được ra mắt vào tháng 3 năm nay, lần đầu tiên lọt vào danh sách 10 ứng dụng iOS được tải xuống nhiều nhất của Sensor Tower vào tháng 8 và đã xếp thứ bảy. Sự phổ biến ngày càng tăng một cách nhanh chóng của nó xuất hiện trong bối cảnh diễn ra các chiến dịch tiếp thị không ngừng của cảnh sát Trung Quốc, những người đã quảng bá nó như một cách để người dân giành lại quyền kiểm soát từ những kẻ lừa đảo trên internet.
Những nỗ lực của họ bao gồm việc cung cấp cho người dân những quả trứng có in khẩu hiệu quảng cáo ứng dụng và một khẩu hiệu như vậy có nội dung: "Lừa đảo trên Internet có nhiều mánh khóe, thậm chí quả trứng này là giả". Các nhân viên cảnh sát cũng đã tổ chức các buổi livestream trên mạng để khuyến khích người dân tải xuống ứng dụng.
Tuy nhiên, hiện ứng dụng này chỉ đạt 2,6/5 điểm trên App Store Trung Quốc và một số người dùng đã phàn nàn về việc họ bị buộc phải cài đặt nó.
"Tôi bị hai chiến sĩ cảnh sát giao thông dừng xe vì quên đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe điện. Nhưng sau khi chất vấn tôi vì không đội mũ bảo hiểm, họ đã yêu cầu tôi tải ứng dụng chống gian lận về", một người bình luận viết. "Tôi không hiểu tại sao tôi phải cài đặt nó và tại sao các nhân viên cảnh sát này lại trông giống như hai nhân viên bán hàng?"
Có thể nói, ứng dụng này được tạo ra để nhắm mục tiêu vào các vụ lừa đảo viễn thông, một trong những loại tội phạm đang phổ biến nhất ở Trung Quốc. Chỉ riêng trong năm 2020, cảnh sát Trung Quốc báo cáo đã phá được khoảng 250.000 vụ lừa đảo và giúp người dân tránh được khoản thiệt hại khoảng 120 tỷ nhân dân tệ (tương đương 19,2 tỷ USD).
Nhưng cũng có những lo ngại về mức độ mà ứng dụng này đang giám sát người dùng. Một số người dùng Trung Quốc cho biết họ đã bị cảnh sát địa phương thẩm vấn vì truy cập các trang web ở nước ngoài, bao gồm Bloomberg sau khi cài đặt ứng dụng. Những người khác nói rằng ứng dụng này yêu cầu tới 29 quyền riêng tư từ người dùng, bao gồm giám sát trực tiếp nhật ký cuộc gọi và tin nhắn, theo Financial Times.
Các thông tin trong phần giới thiệu của ứng dụng cho biết nó thu thập dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng như số ID và thông tin thiết bị, cũng như thông tin được tải lên bởi người sử dụng để báo cáo các trường hợp lừa đảo tiềm năng, bao gồm cả ảnh chụp màn hình, nhật ký cuộc gọi và tin nhắn văn bản.
"Chúng tôi sẽ không tiết lộ thông tin đó cho công chúng hoặc bất kỳ bên thứ ba nào mà không có sự đồng ý trước của bạn. Nhưng trong các tình huống liên quan đến an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ sử dụng dữ liệu liên quan một cách nghiêm ngặt và thận trọng theo các luật và quy định có liên quan", ứng dụng thông báo.
Luật dữ liệu của Trung Quốc, đặc biệt là những luật về thông tin mà các công ty công nghệ có thể thu thập từ người dùng, là một trong những bộ luật nghiêm ngặt nhất thế giới. Tuy nhiên, đây lại là một câu chuyện khác bởi ứng dụng này là sản phẩm của Bộ Công An Trung Quốc và dữ liệu được thu thập vì lý do an ninh quốc gia.
Và theo luật chống gián điệp và tình báo của Trung Quốc, các cá nhân và doanh nghiệp về cơ bản không có quyền từ chối các yêu cầu cung cấp dữ liệu từ chính phủ.
Theo Bảo Nam (Pháp Luật & Bạn Đọc)