Hồi giữa tuần trước, Apple đã chính thức công bố loạt iPhone 13 mới. Với việc iPhone là dòng sản phẩm cao cấp chủ lực, các nhà bán lẻ trong nước đã bắt đầu rục rịch cho các chương trình quảng bá trong suốt tuần qua.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của chúng tôi, một nhà bán lẻ di động lớn tại Việt Nam đã bị cắt một phần nguồn hàng iPhone 13 do vi phạm chính sách bán hàng của Apple. Điều này cho thấy mặc dù không có sự hiện diện rõ ràng tại Việt Nam, nhưng Apple vẫn theo rất sát những động thái từ thị trường.
Quy định về đặt hàng iPhone của Apple
Khi một hệ thống bán lẻ phân phối smartphone của một hãng nào đó, hệ thống bán lẻ đó sẽ phải tuân thủ rất nhiều yêu cầu khắt khe do phía đối tác đưa ra. Một trong số đó là khâu tổ chức các chương trình pre-order (đặt hàng sản phẩm).
Ví dụ với Samsung, hãng này cho phép các nhà bán lẻ có thể tổ chức chương trình "đặt gạch" ngay cả khi sản phẩm chưa ra mắt. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ không được phép gọi tên chính xác của sản phẩm, ví dụ như "Galaxy S21", mà bắt buộc phải gọi tên chiếc máy này là "Galaxy S mới" hoặc "Galaxy S 2021". Đương nhiên, các nhà bán lẻ cũng không được phép tung ra các thông số kỹ thuật và tính năng của sản phẩm sắp ra mắt.
Hay, một quy định khác mà Samsung đặt ra là các nhà bán lẻ không được phép "phá giá" và phải treo giá niêm yết của sản phẩm, ít nhất là trong thời gian đầu. Ví dụ với Galaxy Z Fold3 256GB, các nhà bán lẻ đều phải niêm yết giá 41.99 triệu đồng, mặc dù giá trị thật của máy (sau khi trừ quà) chỉ là khoảng 35 triệu đồng. Điều này phòng tránh tình trạng "loạn giá" xảy ra, ngoài ra nó cũng giúp cho Samsung giữ được hình ảnh cao cấp của mình trong mắt người dùng.
Đối với Apple, hãng này khá thoải mái về chính sách giá, thể hiện qua việc giá iPhone 13 có sự chênh lệch lớn giữa các đại lý. Ví dụ, iPhone 13 Pro Max 128GB được một số đại lý bán đúng giá niêm yết là 33.9 triệu đồng, nhưng cũng có một số đại lý ra giá chỉ khoảng 30 đến 32.5 triệu đồng. Apple không quá bận tâm về điều này.
Thế nhưng, Apple lại làm rất chặt về quy trình các nhà bán lẻ nhận đặt hàng iPhone mới. Các nhà bán lẻ không được phép tự ý chạy chương trình đặt hàng khi chưa có sự cho phép của Apple, kể cả khi sản phẩm đã được ra mắt. Ngoài ra, một việc tối kỵ khác mà Apple ngăn cấm là nhận tiền cọc của khách hàng.
Đây là một điều khá kỳ lạ, bởi hầu hết các nhà sản xuất khác đều cho phép, thậm chí yêu cầu người dùng đặt cọc để từ đó có thể nắm rõ sức hút của sản phẩm, cũng như dự trù sản xuất. Nhưng với Apple và tầm cỡ của mình, có lẽ hãng này không bao giờ phải tính tới chuyện iPhone bị "ế".
Thay vào đó, thứ mà Apple lo sợ là hình ảnh của mình trong mắt khách hàng. Apple cho rằng nếu khách hàng cọc tiền nhưng không có được máy sớm sẽ khiến cho họ có tâm lý bực tức, từ đó gây ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu Apple.
Việt Nam không nằm trong danh sách những quốc gia được Apple ưu tiên mở bán iPhone sớm, vậy nên lượng hàng về Việt Nam bị phụ thuộc vào các thị trường khác. Do nguồn cung iPhone 13 dành cho Việt Nam là chưa chắc chắn, vậy nên Apple cũng chưa cho phép các nhà bán lẻ đặt hàng hay đặt cọc. Thay vào đó, các nhà bán lẻ chỉ được phép mở các trang "đăng ký nhận thông tin" như một cách để báo hiệu rằng hàng chính hãng sắp cập bến.
Nhà bán lẻ Việt Nam "lách luật"
Một nhà bán lẻ tại Việt Nam đã vi phạm quy định này của Apple. Mặc dù chưa chính thức được Apple cho phép, nhưng theo thông tin mà chúng tôi thu thập, nhà bán lẻ này đã bắt đầu khởi động chương trình đặt hàng ngay sau khi Apple công bố iPhone 13. Thậm chí, nhà bán lẻ này còn nhận cọc của khách hàng với số tiền là 1 triệu đồng/máy, dù không thể đưa ra được thời điểm chính xác máy sẽ đến tay khách hàng.
Để "lách luật", thay vì trực tiếp đề cập tới iPhone 13, nhà bán lẻ này lại sử dụng tên gọi "Siêu Phone", "Phone mới" hay "Siêu phẩm 2021" để thay thế. Các phiên bản của iPhone 13 lần lượt được nhà bán lẻ này gọi là "Siêu phẩm 2021 mini", "Siêu phẩm 2021 mới", "Siêu phẩm 2021 Pro" và "Siêu phẩm 2021 Pro Max". Không khó để thấy đây là một chiêu trò được nhà bán lẻ này vận dụng sau nhiều năm hợp tác với Samsung.
Ngoài ra, trong các tài liệu quảng cáo, thay vì sử dụng hình ảnh của iPhone 13, nhà bán lẻ này cũng sử dụng các hình ảnh mang tính chất tượng trưng, nhưng khiến người dùng dễ dàng liên tưởng tới những chiếc iPhone mới.
Vi phạm chính sách khiến nhà bán lẻ Việt bị cắt nguồn hàng
Với những vi phạm như trên, nhà bán lẻ này đã bị Apple cắt 50% lượng hàng trong đợt mở bán đầu tiên. Ngoài ra, nhà bán lẻ này cũng bị nhận một "gậy" cảnh cáo từ Apple. Việc vi phạm quá nhiều lần có thể khiến cho một nhà bán lẻ bị giáng hạng, trong đó hậu quả lớn nhất là bị Apple rút giấy phép phân phối.
Hiện tại, nhà bán lẻ này đã dừng nhận cọc từ khách hàng. Website và các tài liệu quảng bá của đơn vị này đã được cập nhật để thay thế chương trình đặt hàng bằng "nhận thông tin". Các tư vấn viên cũng không còn đề cập về chương trình đặt hàng hay mức tiền cọc.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên mà một nhà bán lẻ Việt Nam vi phạm chính sách của Apple. Ngay hồi năm ngoái, một nhà bán lẻ khác cũng đã vi phạm những chính sách tương tự. Nhà bán lẻ này sau đó đã gặp nhiều khó khăn trong việc trả hàng iPhone 12, đặc biệt là hai model cao cấp là iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max. Một số khách hàng đã phải chờ đợi hơn 2 tháng mới được trên tay mẫu iPhone mà mình đặt.
Theo dự kiến, iPhone 13 chính hãng VN/A sẽ được mở bán trong khoảng nửa cuối tháng 10. Ở thời điểm bài viết (20/9), Apple vẫn chưa cho phép các nhà bán lẻ được phép đặt hàng hay đặt cọc. Thời điểm các nhà bán lẻ được phép mở đặt hàng iPhone 13 hiện chưa được xác định.
Theo Bình Minh (Pháp Luật & Bạn Đọc)