Chan Hung Le, ngụ tại hạt Orange, California đã xây dựng một đường dây kinh doanh và bán hàng nghìn linh kiện iPhone giả (và nhiều linh kiện điện tử khác) cho các cửa hàng sửa chữa tại Mỹ, theo thông báo từ chính quyền Mỹ.
Không chỉ linh kiện iPhone giả, người này còn buôn bán cả linh kiện điện thoại Samsung và Mototola. Chan Hung Le có cả một nhóm riêng để gom linh kiện tại Trung Quốc, sau đó nhập lậu vào Mỹ để bán lại.
Hoạt động kinh doanh của Hung Le diễn ra trong gần 4 năm, từ 2011 đến tháng 2/2015. Người này bị phát hiện khi nhà cung cấp của Hung Le bị bắt và khai ra anh này cùng đường dây anh đứng sau. Le đã thiết lập và sử dụng mailbox với dịch vụ cung cấp văn phòng ảo tại Oklahoma và Texax với cái tên JV Trading Solution.
Một tình tiết nữa là Le đã sử dụng "tên và hồ sơ cá nhân từ một nhân viên của mình để thành lập văn phòng ảo", vốn là hành động ăn cắp danh tính cá nhân – kể cả khi nạn nhân đồng ý hay không. Le cũng sử dụng tên và hồ sơ của nhiều nhân viên khác, cùng với đó là những người thân quen để vận chuyển sản phẩm.
Theo kết luận của toà án, kế hoạch của Le là che giấu danh tính cá nhân để đảm bảo mình được an toàn nếu việc kinh doanh gặp trục trặc. Một đối tác của Le có tên Hongwei "Nick" Du cuối cùng đã bị bắt ở San Diego, sau đó khai ra Le. Anh này cho biết đã bán cho Le số tổng số linh kiện Trung Quốc trị giá 18.744.000 USD, chủ yếu là hàng giả. Anh này sau đó bị kết án 3 năm tù.
Theo PhoneArena, những tin tức như thế này có thể gây bất lợi cho thứ gọi là "quyền được sửa chữa" mà nhiều đơn vị độc lập cũng như người tiêu dùng Mỹ đang đứng lên đấu tranh. Hiện tại, Apple chỉ cho phép một lượng nhất định các đơn vị sửa chữa có chứng chỉ Authorized Apple Shop được phép sửa chữa iPhone và các thiết bị khác.
Táo khuyết có thể đưa ra những ví dụ như thế này để tranh luận rằng các đơn vị sửa chữa bên ngoài có thể gây rắc rối, huỷ hoại chất lượng và danh tiếng của iPhone bởi những linh kiện giả.
Tham khảo: PhoneArena
Theo Đức Nam (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)