Apple giải thích lý do của việc loại bỏ củ sạc (và cả tai nghe) trong hộp iPhone 12 là nhằm thực hiện cam kết giảm thiểu khí thải carbon trong khâu sản xuất, bảo vệ môi trường, đồng thời giảm chi phí vận chuyển sản phẩm.
Nhưng các đối thủ của Apple đâu quan tâm đến điều đó. Thứ họ nhắm vào đơn giản chỉ là "Apple không bán kèm củ sạc".
Ngay sau sự kiện iPhone 12, tài khoản Facebook của Samsung đã đăng ngay hình ảnh một củ sạc với tiêu đề "Bán kèm điện thoại Galaxy của bạn" và nội dung: "Chiếc #Galaxy của bạn mang đến thứ bạn đang tìm kiếm. Từ thứ cơ bản nhất như củ sạc, đến camera tốt nhất, pin, hiệu năng, bộ nhớ, và thậm chí là màn hình 120Hz, trên một chiếc smartphone".
Tiếp theo là Xiaomi: hãng smartphone Trung Quốc cũng đăng tải một đoạn video ngắn miêu tả quá trình mở hộp chiếc Mi 10T Pro, và thứ đầu tiên lộ diện chính là một củ sạc. Tiêu đề đi kèm với đoạn video này là: "Đừng lo, chúng tôi không loại bỏ thứ gì khỏi hộp Mi 10T Pro đâu".
Cười người hôm trước, hôm sau lặng lẽ bắt chước. Gần đây, người ta bỗng phát hiện ra bài viết chế nhạo Apple của Samsung đã bị xóa hoặc ẩn đi, không lâu sau khi xuất hiện nhiều tin đồn cho biết chiếc Galaxy S21 mà hãng dự định ra mắt trong tháng 1 tới đây cũng sẽ không đi kèm củ sạc. Trên thực tế, thông tin Samsung bỏ củ sạc theo máy đã xuất hiện từ hồi tháng 7, một thời gian ngắn sau khi nhiều nguồn tin tiết lộ Apple sẽ không bán kèm củ sạc với series iPhone 12 nữa.
Xiaomi thì sao? Đúng theo "truyền thống", họ nhanh chóng... học theo Apple. Hình ảnh mới nhất được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy hộp của mẫu flagship Mi 11 sắp tới mỏng chẳng kém gì hộp iPhone 12. Cứ ngỡ chỉ là ảnh photoshop, thì CEO Xiaomi Lei Jun lập tức đăng đàn chính thức xác nhận việc hãng loại bỏ củ sạc trên Mi 11.
Về phần Huawei, hãng mà có lẽ nếu không dính lệnh cấm vận cũng sẽ khiến Apple phải lo nơm nớp, thì âm thầm thực hiện một cuộc khảo sát nhằm lấy ý kiến người tiêu dùng về việc cáp sạc Type-C bán kèm với tai nghe không dây có là điều cần thiết hay không? Huawei cũng hỏi liệu bỏ cáp sạc có khiến người dùng thay đổi quyết định khi chọn sản phẩm hay không? Và nếu bỏ cáp sạc để giảm giá bán sản phẩm, người tiêu dùng liệu có chấp nhận? Có thể thấy, động thái này của Huawei là dấu hiệu chứng tỏ hãng công nghệ Trung Quốc đang dự định đi theo con đường mà Apple đã vạch ra, và bài khảo sát nêu trên giống như đang chuẩn bị tinh thần cho người dùng của mình trước những thay đổi sắp tới.
Xét cho cùng, quyết định táo bạo của Apple dù không được lòng người tiêu dùng, nhưng lại được đánh giá cao bởi các chuyên gia trong ngành công nghiệp. Tạm bỏ qua những thứ như "bảo vệ môi trường" hay "tiết kiệm chi phí", củ sạc "zin" đi kèm trong hộp các smartphone trong vài năm gần đây hầu như chỉ mang tính trang trí và là một yếu tố giúp thiết bị được giá hơn khi sang tên đổi chủ. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng sắm thêm những củ sạc bên thứ ba, vốn tích hợp nhiều công nghệ sạc nhanh và trên hết là có tính tiện lợi cực cao khi hỗ trợ sạc nhiều thiết bị cùng lúc. Có lẽ Apple và các nhà sản xuất smartphone Android cũng đã phần nào nắm bắt được điều này.
Thị trường smartphone hiện nay như một vòng luẩn quẩn, và lịch sử đang lặp lại. Từ câu chuyện jack headphone 3.5mm, đến tai nghe có dây, và nay là củ sạc, nếu có thể rút ra được điều gì thì đó là: đừng sớm chế nhạo Apple nữa, khi mà trước sau gì bạn cũng học theo họ thôi!
Theo Tấn Minh (Pháp luật & Bạn đọc)