Meta, Google phải trả tiền cho các tờ báo truyền thống tại Canada

01/09/2023 15:55:52

Meta, Google cùng các nền tảng trực tuyến khác sẽ phải chia sẻ một phần lợi nhuận cho các tờ báo, trang tin có liên kết được chia sẻ trên mạng xã hội.

Chính phủ Canada vừa thông qua Đạo luật Tin tức trực tuyến (C-18) yêu cầu các công ty truyền thông kỹ thuật số phải chia một phần lợi nhuận cho các nhà xuất bản khi nội dung tin tức được chia sẻ trên nền tảng của họ như Facebook và Instagram qua các công cụ tìm kiếm của Google.

Đáp lại, Meta bắt đầu chặn đường link tin tức trên các nền tảng Facebook và Instagram của họ. Các hãng tin tức tại nước này được cho là đã kêu gọi cơ quan quản lý chống độc quyền điều tra, lập luận rằng gã khổng lồ mạng xã hội Mỹ “đã tìm cách làm suy yếu khả năng cạnh tranh hiệu quả của các nhà xuất bản Canada trên thị trường xuất bản tin và quảng cáo trực tuyến”.

Đây là giai đoạn mới nhất trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành tin tức toàn cầu mà mô hình kinh doanh của nó đã bị gián đoạn nghiêm trọng do doanh thu từ tin tức đã chuyển sang các nền tảng trực tuyến thay vì các nhà xuất bản tin tức. Tại Canada, 80% tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến (9,7 tỷ CAD vào năm 2020) thuộc về Meta và Google.

Bằng cách yêu cầu Big Tech chi một phần lợi nhuận cho các hãng tin tức, đạo luật C-18 nhằm mục đích hỗ trợ ngành tin tức của Canada, vốn bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong đại dịch Covid-19, khi có ít nhất 40 hãng tin phải đóng cửa. Song, quyết định chặn tin tức khỏi nền tảng của Meta có thể sẽ đẩy ngành tin tức của đất nước gặp khó khăn hơn. Trong năm 2022, doanh thu của lĩnh vực tin tức truyền thống tại Canada tiếp tục giảm mạnh 42%.

Chỉ có khoảng 17% người dân (ở những quốc gia đã có truyền thống trả tiền cho tin tức) nói rằng họ sẵn sàng trả tiền để đọc tin. Và bức tranh còn tồi tệ hơn khi nhìn vào những yếu tố tương tự đối với giới trẻ.

“Các nhà xuất bản nội dung muốn xuất hiện trên những nền tảng, bởi vì đó là nơi mọi người tìm kiếm tin tức”, Sue Gardner, một nhà báo và nhà bình luận truyền thông có ảnh hưởng ở Canada đã chỉ trích đạo luật này là cố gắng giải quyết một “thảm kịch không có kẻ xấu”.

Theo đó, các nhà xuất bản tin tức phải chuyển đổi và nghĩ ra những cách kiếm tiền tốt hơn từ nội dung họ mang lại, thay vì chọn cách đối đầu với các nền tảng mạng xã hội, nơi hầu hết mọi người đọc nội dung của họ.

Lợi ích đối với các hãng tin tức lâu đời

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định, các nội dung của C-18 có thể tạo ra lợi ích không tương xứng, khi các hãng tin tức truyền thống có quy mô lớn sẽ nhận được thêm ưu đãi để gia tăng khoảng cách với các đối thủ. Điều này đã xảy ra tại Australia, nơi thông qua một bộ luật tương tự vào năm 2021.

Khi đó Facebook cũng phản ứng bằng cách chặn các đường liên kết chia sẻ trên nền tảng, trước khi ngồi vào đàm phán và đồng ý về một quy tắc giữa các công ty truyền thông tin tức. Cụ thể, các nhà sản xuất tin tức được cho là đã thu về khoảng 200 triệu AUD (tương đương 102 triệu Bảng Anh).

Đạo luật C-18 của Canada được coi là nỗ lực nhằm bảo tồn hình thức báo chí chính thống, bằng cách khuyến khích thương lượng giữa phương tiện truyền thông truyền thống với phương tiện truyền thông trực tuyến.

Song, theo Reuters, phần lớn khoản tiền này rơi vào tay các đại gia tin tức, bao gồm: Nine Entertainment Co, News Corp Australia, Australian Community Media, Guardian và ABC. News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch được cho đã nhận 15% -20% tổng số tiền này. 

Người dùng trẻ tuổi tin vào thuật toán hơn con người

Mức tiêu thụ tin tức đang rơi tự do trên khắp thế giới, thể hiện ở mức độ quan tâm tin tức toàn cầu tiếp tục giảm từ 63% năm 2017 xuống còn 51% vào năm 2022, hay tỷ lệ người dân thừa nhận chủ động tránh tin tức ngày càng tăng, từ 29% lên 37% trong cùng kỳ, thậm chí con số này ở Anh lên tới 46%. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra, đại đa số những người dưới 30 tuổi đọc tin thông qua thiết bị di động. Họ không muốn trả tiền cho các nội dung tin, và đáng chú ý hơn, nhiều người trẻ tin tưởng vào các tin tức lựa chọn bởi thuật toán hơn là con người.

Những vụ bê bối của báo chí, cùng với thành kiến đối với các hãng tin tức khác nhau, đã càng làm bào mòn thêm niềm tin của người dùng với các phương tiện truyền thông tin tức có uy tín.

Nếu Canada có thể đưa Meta và Google quay về bàn đám phán, các nước khác có thể sẽ có những động thái tương tự và đảo ngược xu hướng truyền thông đang diễn ra suốt hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, ngay cả khi những điều đó diễn ra, cũng chỉ có sự thay đổi trong niềm tin của công chúng vào giá trị của báo chí mới có thể giúp các nhà sản xuất tin tức đứng vững và phát triển lâu dài. 

Theo Thế Vinh (VietNamNet)