Một số chuyên gia lo ngại Meta đang tiêu tốn quá nhiều tiền. “Vấn đề là họ chi tiền nhưng không minh bạch với các nhà đầu tư”, nhà phân tích công nghệ Dan Ives nhận xét. Theo ông, đây tiếp tục là ván bài rủi ro của Mark Zuckerberg và cộng sự vì họ đang đặt cược vào tương lai trong khi mảng kinh doanh cốt lõi đối mặt các trở ngại nghiêm trọng.
Khi Meta bắt đầu cung cấp thông tin tài chính của Reality Labs năm 2021, công ty tiết lộ đã chi hơn 10 tỷ USD cho bộ phận và chưa thấy dấu hiệu hết lỗ. Sáu tháng đầu năm nay, Reality Labs ghi nhận khoản lỗ hơn 5 tỷ USD. Một số chuyên gia dự đoán tổng lỗ năm 2022 sẽ vượt qua năm ngoái.
Ives cho rằng lượng tiền Meta đổ vào vũ trụ ảo vô cùng đáng lo, đặc biệt với các thông tin mới được công ty chia sẻ gần đây, bao gồm headset 1.500 USD và phiên bản avatar mới có chân, mà ông đánh giá là “đáng thất vọng”.
Theo nhà phân tích Mark Zgutowicz, dù không chắc chắn, ông ước tính ít nhất 60% chi phí vận hành của Reality Labs dành là chi phí R&D để xây dựng thế giới ảo hoàn toàn mới. “Chưa có một thế giới ảo thực sự cho tới khi chúng ta có thể đeo những chiếc kính mà không làm ta nhìn lạ lùng như người ngoài hành tinh hay đại loại vậy”.
Dù vậy, ông chỉ ra Meta có những lý do chính đáng khi cố gắng tự xây dựng mọi thứ. Rất khó để họ mua một công ty phần mềm nào đó vì các gánh nặng pháp lý đang gặp phải. Theo ông, Meta nên minh bạch hơn về thời điểm có thể sinh lời và làm thế nào để họ làm được điều đó.
Meta không phải doanh nghiệp duy nhất từ chối làm rõ các khoản lỗ vì đây là điều thường gặp ở Mỹ. Nhà phân tích Ivan Feinseth nói ông tin tưởng vào tầm nhìn dài hạn của Zuckerberg và những hứa hẹn của vũ trụ ảo.
“Khi Facebook mua Instagram, mọi người đều cười nhạo và nói ông ta điên rồi. Họ nói ‘gã này chỉ quẳng tiền đi’ và rồi Instagram trở thành một trong các vụ thâu tóm tốt nhất. Không chỉ với Facebook mà với cả thế giới M&A”, ông bày tỏ quan điểm.
Theo Du Lam (ICTNews)