Ngày 31/5, gã khổng lồ công nghệ cho biết, nếu “Đạo luật bảo tồn báo chí” được thông qua, công ty sẽ buộc gỡ bỏ các đường link tin tức đăng tải trên Facebook và Instagram, thay vì đồng ý trả phí cho những nhà xuất bản nội dung tin theo yêu cầu của dự luật.
Lập trường của Meta cho thấy phản ứng cứng rắn của họ trước làn sóng yêu cầu các công ty truyền thông xã hội phải thoả thuận với các hãng tin tức về nội dung được chia sẻ trên nền tảng của họ. Nguyên nhân là do những năm qua, các nhà xuất bản tin tức truyền thống đã mất đi nguồn doanh thu quan trọng từ quảng cáo vào tay những công ty công nghệ như Facebook và Google.
Do đó, những người ủng hộ truyền thông đã thúc đẩy dự luật buộc những gã khổng lồ thung lũng Silicon phải chia sẻ doanh thu nhiều hơn với các nhà xuất bản, cho rằng những công ty này đang hưởng lợi từ nội dung mà các hãng tin phải mất tiền để sản xuất.
Trong khi đó, phía công ty công nghệ phản đối những đề xuất như vậy, lập luận rằng cần phải tính đến giá trị nền tảng tạo ra với các hãng tin khi họ trở thành một kênh phân phối nội dung.
Các dự luật tương tự cũng đang được xem xét tại nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như Canada và Úc - nơi quy định đã được phê chuẩn thành luật và những công ty công nghệ như Meta và Google buộc phải chi trả khoảng 130 triệu USD mỗi năm cho các hãng tin tức.
Dự luật của California yêu cầu công ty công nghệ phải “trả phí sử dụng báo chí” bất cứ khi nào họ chạy quảng cáo bên cạnh nội dung tin tức. Còn các nhà xuất bản phải chi phần lớn số tiền nhận được cho các phóng viên và nhà báo.
Nguồn: Washington Post
Theo Thế Vinh (VietNamNet)