Mất tài khoản Facebook vì giao dịch tiền ảo Pi

03/03/2021 14:45:19

Nghe lời gạ bán Pi với giá cao, Hoàng Cương (29 tuổi, Thanh Hóa) làm theo, nhưng không nhận được tiền, còn bị mất tài khoản Facebook.

Cương nhận được lời đề nghị "bán 1.000 Pi với giá 100 triệu đồng" từ một thành viên trong cộng đồng đào Pi. Vốn tin tưởng người này, lại đúng lúc đang cần tiền, Cương làm theo hướng dẫn để giao dịch toàn bộ số Pi trong tài khoản.

Với tiền điện tử, việc mua bán thường được thực hiện bằng cách chuyển tiền theo địa chỉ "ví", hoặc thông qua các sàn giao dịch. Tuy nhiên, dự án Pi Network chưa có ví và cũng chưa lên sàn, người dùng muốn bán Pi, chỉ có cách duy nhất là bán toàn bộ tài khoản cho người mua.

Cương sử dụng Facebook của mình để tạo tài khoản Pi Network. "Người đó yêu cầu tôi đưa tài khoản Facebook để đăng nhập, sau đó sẽ trả tiền bằng cách chuyển khoản qua ngân hàng", Cương kể. Tuy nhiên, sau khi đưa thông tin tài khoản Facebook cho người kia, anh không nhận được tiền, còn tài khoản Facebook lại bị đổi mật khẩu. Do đăng ký bằng số điện thoại cũ, không thể tìm lại, Cường xác định mất luôn tài khoản Facebook này.

Mất tài khoản Facebook cũng đồng nghĩa với mất tài khoản Pi. Cương cho biết anh đã "đào" hơn nửa năm nay và đang có khoảng 1.000 đồng.

Mất tài khoản Facebook vì giao dịch tiền ảo Pi
Đồng Pi hiện vẫn chưa có giá trị và chưa thể giao dịch qua sàn. Ảnh: Lưu Quý.

Khi chia sẻ câu chuyện lên cộng đồng tiền ảo, Cương nhận được nhiều lời chia sẻ từ các thành viên khác. Nhiều người cũng từng trong tình cảnh như anh.

Kẻ lừa đảo thường gạ mua đồng Pi với giá cao, từ 100.000 đến 200.000 đồng. Lấy cớ đồng Pi chưa thể IAT (In App Transfer - giao dịch nội bộ), kẻ xấu gạ mua toàn bộ tài khoản của người dùng và yêu cầu người bán đưa thông tin tài khoản trước khi chuyển tiền. Với các tài khoản Pi đăng ký bằng Facebook, người bán phải đưa thông tin đăng nhập Facebook cho người mua.

Phiên Võ, quản trị viên của cộng đồng đào Pi với hơn 70 nghìn thành viên tại Việt Nam, khẳng định, việc mua bán tài khoản Pi hiện bị cấm trên hệ thống quản lý đồng tiền này. Hệ thống có thể phát hiện việc mua bán của người dùng và khóa Pi cũng như xóa tài khoản vi phạm.

Theo anh Phiên, việc mua bán hiện nay rơi vào hai trường hợp. Một là người mua muốn đợi Pi có giá trị và đổi được ra tiền là sẽ bán ngay. Còn hiện tại, giá trị của Pi vẫn bằng 0. Trường hợp còn lại, theo anh Phiên, là các đối tượng lợi dụng người dùng hám lợi, dụ người ta cung cấp thông tin và mật khẩu, sau đó cướp tài khoản Pi. Hoàng Cương là nạn nhân của trường hợp thứ hai.

Quản trị viên một nhóm đào Pi khác tại Việt Nam cho biết giao dịch Pi hiện tại tiềm ẩn rủi ro cho cả người bán và người mua. "Người bán có thể bị kẻ xấu lừa mất tài khoản. Còn người mua mất tiền mà không thể sử dụng Pi, do sau này hệ thống sẽ yêu cầu xác thực danh tính KYC (Know Your Customer) và mỗi người sẽ chỉ được dùng một tài khoản Pi duy nhất", người này nói.

Trong sách trắng của dự án, Pi đang trong giai đoạn phát triển và tài khoản của đồng tiền này chưa có địa chỉ ví và khóa bí mật. Dự án cũng chưa mở mã nguồn để cộng đồng kiểm chứng, khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về giá trị thực tế của nó.

"Tiền Pi chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung. Người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn. Khi đó, nó không còn giá trị gì", Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, chuyên gia Blockchain nhận định.

Theo Lưu Quý (VnExpress.net)