Mark Zuckerberg nhượng bộ, nhưng rắc rối của Facebook chỉ mới bắt đầu

25/02/2021 16:00:00

Cuộc đối đầu ngắn ngủi nhưng gay gắt giữa Facebook với chính phủ Australia chỉ là khởi đầu cho một loạt áp lực mà gã khổng lồ truyền thông xã hội sẽ phải đối mặt vào năm 2021.

Ngày 18/2, Mark Zuckerberg đã sử dụng các biện pháp cấp tiến chặn tin tức ở Australia để phản đối yêu cầu trả phí tin tức cho nội dung được chia sẻ trên nền tảng. Sự việc này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, tạo ra làn sóng phản đối Facebook tại nhiều quốc gia.

Hôm thứ Ba, sau 11 giờ thảo luận với chính phủ Australia về luật mới nhất, Mark Zuckerberg đã có một số nhượng bộ. Dự luật của Australia cũng liên quan đến Google, dự kiến ​​sẽ được trình lên Quốc hội để bỏ phiếu trong tuần này. Nhưng hiệu ứng domino của quy định đã rõ ràng và giới truyền thông trong khu vực cũng thúc ép Liên minh Châu Âu phải có động thái tương tự.

Có thể thấy rằng, các quy định ngặt nghèo hơn sẽ tiếp tục được đưa ra trong tương lai, cộng với việc Apple đang "nhân cơ hội" đặt câu hỏi về việc Facebook sử dụng dữ liệu người dùng để quảng cáo trúng mục tiêu, mô hình kinh doanh của nền tảng truyền thông xã hội này tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới.

Mark Zuckerberg nhượng bộ, nhưng rắc rối của Facebook chỉ mới bắt đầu

Các nhà lập pháp Mỹ đặt ra rất nhiều câu hỏi về Facebook. Dân biểu Rhode Island và Chủ tịch Tiểu ban Chống độc quyền David Cicilline gần đây chỉ trích Facebook "không phù hợp với chế độ dân chủ". Quốc hội Mỹ cũng sẽ tổ chức một phiên điều trần trong tuần này nhằm xem xét phương án hạn chế quyền lực của Facebook và những gã khổng lồ công nghệ khác.

Đồng thời, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết ông đã làm việc với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson để thảo luận về vấn đề Facebook. Chính phủ Australia cũng có kế hoạch mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với hoạt động kinh doanh của Facebook.

Kể từ vụ bê bối Cambridge Analytica, Facebook, vốn không bảo vệ được dữ liệu người dùng, đã không thể lấy lại niềm tin của thị trường. Vào tháng 1, khi WhatsApp cập nhật chính sách quyền riêng tư để chia sẻ thêm thông tin với công ty mẹ, Facebook lại một lần nữa gặp rắc rối, không chỉ thu hút nhiều vụ kiện, một lượng lớn người dùng còn đổ xô vào các ứng dụng nhắn tin cạnh tranh Telegram và Signal.

Không chỉ nghiêm cấm chia sẻ nội dung tin tức ở Australia, Facebook còn chặn các nguồn thông tin đáng tin cậy về COVID-19 trong giai đoạn phân phối vaccine quan trọng. Động thái của Mark Zuckerberg được cho là cố tình tạo áp lực với Australia, nhưng phản ứng của dư luận lại không theo hướng mà Facebook mong muốn.

Cuối cùng, cả Facebook và chính phủ Australia đều có nhượng bộ sau khi ngồi lại đàm phán. Chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison sẽ thực hiện một số sửa đổi quan trọng đối với luật được đề xuất, cho phép Facebook, Google có thể quyết định nhà xuất bản tham gia vào các thỏa thuận thương mại và sẽ chỉ phải đối mặt với trọng tài bắt buộc như một phương sách cuối cùng.

Stephen Scheeler, cựu giám đốc của Facebook Australia và New Zealand, đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Các cơ quan quản lý và chính phủ toàn cầu nên hiểu từ vấn đề này rằng Facebook là một đối thủ mạnh. Facebook có khả năng làm tan rã một cách cơ bản quan điểm của chính phủ về một chủ đề nhất định".

Ngoài ra, Facebook đang phải đối mặt với sự truy tố của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), với cáo buộc "tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trong nhiều năm" và hành vi chống cạnh tranh. Kết quả tồi tệ nhất là Facebook buộc phải khai tử Instagram.

Zuckerberg và các CEO của Twitter, Alphabet sẽ tham dự một phiên điều trần mới vào tháng 3 để trả lời câu hỏi từ các nhà lập pháp về việc lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến và trách nhiệm của nền tảng này.

Để đối phó với những lời chỉ trích ngày càng tăng, Facebook năm ngoái đã thành lập một ủy ban giám sát bao gồm các học giả, luật sư, nhà báo và những người ủng hộ nhân quyền để xem xét các quyết định về nội dung, nhằm cố gắng giảm bớt lo ngại về sự ảnh hưởng. Ủy ban này đã đảo ngược nhiều quyết định của công ty và bước tiếp theo họ sẽ đánh giá liệu Facebook và Instagram có hủy tài khoản của cựu Tổng thống Trump vô thời hạn hay không.

Ngoài ra, Facebook và Apple đang xảy ra tranh chấp. Apple dự định điều chỉnh quy định về quyền riêng tư trên các thiết bị iPhone và sẽ yêu cầu nhà phát triển phần mềm xin phép rõ ràng, trước khi thu thập dữ liệu và hoạt động nhất định của người dùng trên ứng dụng và trang web.

Tuy nhiên, Facebook chủ yếu dựa vào thông tin này để điều chỉnh quảng cáo của mình. Kết quả là, Mark Zuckerberg đã không ngần ngại mua hàng loạt quảng cáo toàn trang trên nhiều đầu báo Mỹ để công kích Apple, tự coi mình là nạn nhân và là người ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ. Mặt khác, luật pháp của Australia cũng có thể trở thành tiêu chuẩn toàn cầu để đẩy các gã khổng lồ công nghệ vào bàn đàm phán và yêu cầu họ trả tiền cho nội dung tin tức.

Johan Lidberg, phó giáo sư truyền thông và báo chí tại Đại học Monash ở Melbourne, cho biết gần đây ông đã nhận được một số lượng lớn cuộc gọi từ các nhà xuất bản nước ngoài "muốn tìm hiểu thêm về sự tiến bộ của Australia". "Hai năm tới rất quan trọng", Facebook sẽ phải đưa ra một số lựa chọn cơ bản, bởi vì "chỉ có rất ít nền tảng hàng đầu trên thị trường và nó sẽ không tồn tại lâu", Ridberg nói.

Theo QUANG VŨ (ICT News)

Nổi bật