Anh Nguyễn Hoàng (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết sáng nay (11-2), tốc độ đường tuyền internet mạng VNPT mà gia đình anh sử dụng đã được khôi phục, gần như trở lại bình thường.
"Mấy hôm trước, đối tác gửi cho tôi đường link để tải tư liệu hình ảnh chất lượng cao về máy tính nhưng tôi không thể kiên nhẫn chờ quá chậm. Sáng nay, mở link lại để tải hình thì mới thành công. Dù vậy, một số các hoạt động đòi hỏi internet tốc độ cao như: chơi game, xem phim, họp trực tuyến vẫn chưa "mượt" như trước." – anh Hoàng nhận xét.
Chị Huỳnh Thị Cẩm (ngụ quận 3) cũng phản ánh mạng internet tại nhà và chỗ làm của chị đã ổn định trở lại trong sáng nay. "Trước đó, mạng VNPT dùng ở nhà bị trục trặc liên tục. Tôi còn tưởng là do chưa đóng tiền internet, sau tìm hiểu mới biết là có sự cố cáp quang. Mạng FPT ở chỗ làm cũng bị chậm, nhưng ít gián đoạn hơn mạng VNPT ở nhà" - chị Cẩm nói.
Khảo sát sơ bộ của người viết với nhiều người dùng internet ở một số tỉnh, thành, các nhà mạng khác nhau cũng có phản hồi tương tự.
Người dùng internet Việt Nam thường xuyên chịu cảnh tốc độ internet chậm bất thường nhưng lần này là nặng nề nhất, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán đến nay.
Các nhà mạng xác nhận đây là lần đầu Việt Nam phải đối mặt với việc ứng cứu khi số lượng tuyến cáp quang biển bị sự cố lớn nhất khi 4/5 tuyến cáp quang biển gặp sự cố. Trong đó, 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, 2 tuyến IA và AAE-1 hoạt động 1 phần, tuyến còn lại vẫn hoạt động 100%.
Thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ đêm 10-2, các doanh nghiệp viễn thông cam kết sẽ đảm bảo kết nối internet đi quốc tế không bị nghẽn. Vào trưa 10-2, nhà mạng Viettel thông báo chia sẻ dung lượng 100G để hỗ trợ cho nhà mạng VNPT ứng cứu sự cố, đảm bảo kết nối đi quốc tế và sẽ tiếp tục hỗ trợ VNPT mở thêm dung lượng kết nối đi quốc tế.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp chia sẻ dung lượng quốc tế cho nhau khi nhiều tuyến cáp quang biển gặp sự cố.
Được biết, ngay sau sự cố cáp quang biển xảy ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục sự cố và thúc đẩy quy hoạch quốc gia về cáp quang biển do Thứ trưởng Phạm Đức Long làm Trưởng ban chỉ đạo.
Người dùng khó đòi bồi thường
Trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, cho rằng người tiêu dùng rất khó đòi bồi thường từ nhà mạng trong những sự cố mạng tốc độ "rùa bò" thời gian qua. "Nhà mạng cứ nói sự cố ngoài ý muốn thì người tiêu dùng chịu thua, trừ khi nhà mạng có thiện chí tự nguyện giảm cước hoặc miễn cước cho khách hàng. Để đòi bồi thường, người tiêu dùng phải chứng minh được thiệt hại nhưng rất khó để chứng minh trong trường hợp này. Thực tế, Văn phòng giải quyết khiếu nại người tiêu dùng TP HCM cũng chưa từng nhận được khiếu nại nào của người tiêu dùng về vấn đề trên dù nhiều người bày tỏ bức xúc ở các kênh khác nhau." - bà Phan Thị Việt Thu nói.
Theo Ngọc Anh (Nld.com.vn)