Tại Việt Nam, 5G đang giai đoạn thử nghiệm. Giới chuyên gia dự báo, người dùng có thể trải nghiệm các dịch vụ với tốc độ siêu nhanh sau khi 5G được đưa vào sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, song song với tiện ích, người dùng cũng quan tâm đến việc các trạm thu phát sóng di động 5G có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không.
Trên thực tế, mạng 5G hoạt động trong băng tần 30-300 GHz. Trong đó, tần số 30 GHz có độ dài bước sóng xấp xỉ 10 mm, tần số 300 GHz có chiều dài bước sóng một mm. Điều này có nghĩa tín hiệu 5G nằm trong phổ sóng vi ba (microwave) và radio. Cả hai loại sóng này đều phát ra bức xạ không ion hóa, có nghĩa là nó không có đủ năng lượng để giải phóng electron từ một nguyên tử hoặc phân tử.
Theo Forbes, năng lượng bức xạ nào cũng có thể gây hại cho sinh vật sống ở liều lượng lớn, còn với liều lượng nhỏ hơn, khả năng gây hại sẽ giảm xuống. Đồng thời, bức xạ gây hại cho cơ thể người qua tổng năng lượng bức xạ mà cơ thể hấp thụ. Bất cứ khi nào một thiết bị 5G gửi hoặc nhận tín hiệu, nó sẽ phát ra hoặc tìm kiếm bức xạ có tần số thích hợp. Năng lượng bức xạ này sẽ lan truyền theo hình cầu và giảm dần khi bạn di chuyển ra xa nguồn phát. Cụ thể, liều bức xạ nguy hiểm khi ở cách con người khoảng 10 cm và giảm đi 10.000 lần khi cách người dùng khoảng 10 m.
Báo cáo của Simon Rockman được đăng trên Forbes cũng chỉ ra, có 4.500 người ở Anh làm việc gần với bức xạ tần số vô tuyến (RF) và không có bằng chứng nào cho thấy họ có tỷ lệ ung thư hoặc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác do bức xạ WiFi.
Cùng với đó, cơ quan quản lý Ofcom của Anh đã thực hiện nghiên cứu đo lường 16 địa điểm 5G ở 10 thị trấn và thành phố trên khắp nước Anh, xem xét các địa điểm mà việc sử dụng 5G có khả năng ảnh hưởng cao nhất. Những địa điểm này bao gồm các trung tâm mua sắm và đầu mối giao thông.
Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ bức xạ không ion hóa (ICNIRP) cũng có bài đánh giá tác động của sóng điện từ đối với con người và môi trường. Họ thực hiện nghiên cứu về tác động của 5G và cho biết không có bằng chứng về ảnh hưởng đối với sức khỏe. Trong chỉ dẫn cập nhật ngày 11/3/2020, ICNIRP đánh giá sóng 5G phù hợp so với hướng dẫn năm 1998 về các tần số cao hơn sẽ được sử dụng cho 5G trong tương lai. Theo đại diện ICNIRP, chỉ dẫn được phát triển sau khi xem xét kỹ lưỡng tất cả tài liệu khoa học liên quan, hội thảo khoa học và quy trình tham vấn cộng đồng.
Còn theo Tổ chức Y tế Công cộng Anh (PHE), mức phơi nhiễm tổng thể dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp so với các hướng dẫn và sẽ không có hậu quả nào đối với sức khỏe cộng đồng. Dù vậy, PHE thừa nhận có thể có một sự gia tăng nhỏ về mức độ tiếp xúc tổng thể với sóng vô tuyến khi 5G được thêm vào mạng hiện có hoặc trong một khu vực mới. Tuy nhiên, mức phơi nhiễm tổng thể dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp so với các chỉ dẫn.
Trong tọa đàm "Chuẩn bị gì cho thời đại 5G" do Báo điện tử VnExpress tổ chức hồi cuối tháng 3, Tiến sĩ Mai Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển MobiFone cho rằng, tất cả các thiết bị viễn thông trên thế giới đều được kiểm tra và thỏa mãn các tiêu chuẩn trước khi nhập vào Việt Nam.
Theo đại diện MobiFone, kể cả các nước trên thế giới, việc phát xạ sóng điện từ từ các trạm thu phát sóng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, tất cả mạng di động trước khi đưa vào hoạt động luôn được kiểm định chất lượng thiết bị, tham số trạm thu phát sóng, mức độ phát xạ của sóng điện từ... Các thiết bị này đều phải tuân thủ quy chuẩn của Việt Nam mà Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành, trong đó có quy định về mức độ phát xạ và phương pháp đo.
Ông Mai Hồng Anh cũng cho biết, trên thế giới hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh sóng 5G ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Do đó, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề sức khỏe khi sử dụng 5G. Đồng thời, ngoài lợi ích về tốc độ truyền tải so với các mạng di động trước đó, việc đặt cơ sở hạ tầng cho 5G còn cho phép thay đổi công nghệ thông minh, giúp kết nối các thiết bị không giới hạn trong tương lai.
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận công nghệ kết nối này và đã có những thử nghiệm 5G thành công. Cụ thể, cuộc gọi 5G đầu tiên đã được nhà mạng Việt Nam thử nghiệm thành công trong tháng 5/2019. Đến tháng 9, nhà mạng công bố phát sóng thử nghiệm 5G tại TP HCM, đưa vào khai thác hạ tầng kết nối Internet vạn vật với quy mô 1.000 trạm NB-IoT phủ sóng 100% TP HCM. Hiện tất cả các nhà mạng lớn tại Việt Nam đều đã triển khai mạng 5G tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành phố khác.
Cùng với đó là sự tham gia của các hãng sản xuất thiết bị di động trong việc tạo ra các dòng smartphone tương thích với mạng 5G. Là hãng công nghệ còn khá trẻ, Oppo cũng tham gia vào tiến trình phát triển 5G.
Tại thị trường Việt Nam, hãng này đã tung ra nhiều dòng điện thoại 5G như bộ đôi flagship Find X2 Series trong tháng 3/2020. Thế hệ 5G mới nhất của dòng sản phẩm Reno - Oppo Reno5 5G cũng được giới thiệu đến với người dùng Việt Nam hồi đầu năm nay, với mức giá tầm trung, dễ tiếp cận. Đại diện Oppo còn cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác công nghệ dẫn đầu khác trên thế giới để tăng tốc triển khai 5G toàn cầu và nâng cao trải nghiệm 5G cho người dùng.
Theo Hà Thanh (VnExpress.ent)