Theo The Verge, Corning, đối tác cung cấp kính cường lực Gorilla Glass cho Apple và nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh khác, đang làm việc trên một phiên bản kính có thể uốn cong.
Trong một cuộc phỏng vấn với Wired, Tổng giám đốc John Bayne nói, thách thức là tạo ra một chiếc kính đủ mỏng để uốn cong mà không mất khả năng phục hồi cần thiết để bảo vệ màn hình.
Năm 2017, Apple đã đầu tư 200 triệu USD vào công ty này để hỗ trợ cho đội ngũ nghiên cứu và phát triển, thông qua việc nâng cấp thiết bị và công nghệ xử lý thủy tinh hiện đại. Năm ngoái, Apple tuyên bố có thể phát hành một thiết bị có thể gập lại vào đầu năm 2020.
Theo Bayne, các sản phẩm của cả hai nhà sản xuất điện thoại Android lớn là Samsung Galaxy Fold và Huawei Mate X đều sử dụng màn hình nhựa để đảm bảo yếu tố hình thức. Mặc dù màn hình của Mate X có độ ma sát và phản hồi tương đương với màn hình kính, khả năng chống trầy xước của nó vẫn chưa được kiểm chứng.
Trong khi đó, Corning đang nhắm mục tiêu tạo ra loại kính dày 0,1mm nhưng có thể uốn cong từ 3 đến 5mm, cho phép một chiếc điện thoại gập mỏng chỉ từ 6 đến 10 mm với màn hình bọc bên ngoài. Để tham khảo, iPhone Xs dày 7,7mm.
Dẫu vậy, công nghệ này phải đối mặt với nhiều thách thức như phải đảm bảo vẫn hoạt động tốt sau khi bị rơi từ độ cao nhất định. Đặc biệt, điều này cần phải thực hiện được khi màn hình đang trong trạng thái uốn cong.
Trước đó, Corning đã ra mắt mẫu kính Willow Glass có thể uốn cong và cuộn lại như một tờ giấy. Tuy nhiên, quy trình sản xuất hiện tại khiến sản phẩm này không thể sử dụng để làm màn hình điện thoại bởi nó phải được nhúng vào dung dịch muối. Điều này sẽ khiến các bóng bán dẫn bị ăn mòn, theo Bayne.
Apple từ lâu đã có ác cảm với màn hình nhựa. Tháng 6/2007, khi màn hình nhựa đang được dùng khá phổ biến cho điện thoại, công ty tuyên bố iPhone sẽ sử dụng màn hình bằng kính với chất lượng quang học cao, cũng như đảm bảo khả năng chống trầy xước. Thế hệ iPhone đầu tiên được bán ra vài tuần sau đó.
Theo Bảo Nam (VnExpress.net)