Dưới đây là một số phương pháp giúp hiệu chỉnh lại màn hình điện thoại hay máy tính bảng Android của bạn.
Đầu tiên, màn hình của bạn có thật sự cần được điều chỉnh?
Đối với những smartphone Android ra mắt trong một vài năm trở lại đây, cả phần cứng và phần mềm của máy hầu như đã được nâng cấp và tối ưu hóa tốt hơn những thế hệ trước. Vì vậy đa phần màn hình cảm ứng trên các thiết bị này hiếm khi cần phải hiệu chỉnh hoặc cấu hình lại nó. Vậy nên các hiện tượng giật lag hay lỗi thao tác có thể đến từ sự cố bên trong máy và không thể sử dụng các phương pháp hiệu chỉnh trên phần mềm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, thì việc hiệu chỉnh thực sự có tác dụng hơn những gì bạn mong đợi.
Ví dụ, việc tinh chỉnh độ nhạy trên màn hình cảm ứng sẽ mang lại hiệu quả, đặc biệt khi nó đang bị ảnh hưởng bởi các phụ kiện khác, như kính cường lực chẳng hạn. Đồng thời nó cũng rất đáng để thử trên các thiết bị đã cũ, đa phần giúp mang lại hiệu quả lớn hơn và đáng chú ý hơn. Tất nhiên sẽ không có bất cứ tổn hại gì khi thực hiện tinh chỉnh màn hình cảm ứng trong trường hợp này, mà ngược lại, nó còn thực sự có lợi.
Kiểm tra màn hình
Trước khi bắt đầu, chúng ta cần kiểm tra xem liệu màn hình cảm ứng của điện thoại đã thật sự được tối ưu hay chưa.
Các phiên bản Android cũ có nhiều menu và tùy chọn phát triển bị ẩn, cho phép bạn kiểm tra và tinh chỉnh lại màn hình của máy. Từ các thiết bị Android 4 Ice Cream Sandwich trở về trước, hãy thử bấm *#*#2664#*#* để truy cập menu kiểm tra.
Đối với thiết bị sử dụng phiên bản Android mới hơn, các ứng dụng có sẵn trong cửa hàng Google Play sẽ hỗ trợ kiểm tra màn hình. Chúng sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến độ nhạy và thời gian phản hồi, giúp bạn đánh giá xem màn hình đã được hiệu chỉnh tối ưu hay chưa. Và một ứng dụng đáng để thử là Touch Screen Test.
Cách sử dụng khá đơn giản, chỉ cần tải về, cài đặt, sau đó chạm vào bất kỳ vị trí nào trên màn hình.
Sau mỗi lần chạm, một chấm nhỏ sẽ xuất hiện tại vị trí bạn đặt ngón tay vào. Nếu tốc độ phản hồi chậm hoặc giật, lag, ứng dụng sẽ xác định vấn đề cụ thể và bạn có thể dựa vào đó để tùy chỉnh lại màn hình một cách chính xác nhất.
Hiệu chỉnh màn hình cảm ứng
Như đã đề cập ở trên, các phiên bản hệ điều hành Android cũ, thường là 4 trở về trước, hầu như đều tích hợp công cụ hiệu chỉnh màn hình. Những công cụ này sẽ cho phép bạn kiểm tra và xác định liệu màn hình có đang làm tốt nhiệm vụ của mình hay không.
Các phiên bản Android từ 5 Lollipop trở về sau đã không còn được hỗ trợ công cụ hiệu chỉnh, bắt buộc chúng ta lại một lần nữa phải nhờ đến sự giúp đỡ của ứng dụng bên thứ ba mà có thể tải về từ Google Play.
Một ứng dụng được khuyến nghị trong bài viết này là Touchscreen Calibration. Để bắt đầu, tải ứng dụng từ cửa hàng Google. Sau đó mở ứng dụng và chọn Calibrate.
Có tổng cộng 6 chế độ kiểm tra tương ứng với một chạm, hai chạm, nhấn giữ, vuốt, pinch và phóng to. Hãy làm theo hướng dẫn trên màn hình và hoàn thành tất cả các bài kiểm tra. Khi kết thúc, bạn sẽ thấy thông báo hiển thị như hình dưới:
Sau đó, khởi động lại máy và sử dụng Touch Screen Test để kiểm tra màn hình thiết bị của bạn đã được cải thiện hay chưa.
Nếu không thành công, hãy thử Factory Reset
Nếu màn hình cảm ứng vẫn bị lỗi sau khi hiệu chỉnh, thì nguyên nhân chính có thể đến từ các vấn đề tiềm ẩn tồn tại trong hệ điều hành và chỉ còn cách khôi phục cài đặt gốc (Factory Reset) để giải quyết triệt để. Tuy nhiên nên nhớ rằng Factory Reset chỉ là lựa chọn bất đắc dĩ cuối cùng của bạn, và chưa chắc điều này sẽ làm màn hình thiết bị hoạt động tốt hơn.
Reset lại Android sẽ xóa tất cả các ứng dụng hiện có, bộ nhớ cache, cookies và bất kỳ thiết lập nào ảnh hưởng đến hoạt động của màn hình cảm ứng. Có thể nó sẽ giải quyết được độ trễ - vấn đề ‘nhức nhối' ở đa số thiết bị Android hiện nay, khi nguyên nhân đến từ thiếu tài nguyên trong máy, và đặt lại cài đặt có thể khắc phục được chuyện này.
Tùy chọn khôi phục cài đặt gốc có thể khác nhau giữa các thiết bị và nhà sản xuất, tuy nhiên bạn có thể tìm kiếm trong phần Settings-> System-> Reset. Hãy chắc chắn rằng bạn đã thực hiện sao lưu dữ liệu trước khi thực hiện thao tác này, để tránh bị mất dữ liệu vĩnh viễn.
Theo Quang Minh (VnReview.vn)