Chiếc kính 3.499 USD của Apple đắt hơn mọi đối thủ và cũng có nhiều lợi thế hơn. Vision Pro sở hữu hai màn hình 4K, dùng một trong những con chip mạnh nhất, trang bị công nghệ theo dõi chuyển động mắt và cử chỉ tay tinh vi. Nó còn có một lợi thế mà tiền không mua được, đó là hệ sinh thái nhà phát triển của Apple. Nhà phát triển ứng dụng iOS và iPad có thể dễ dàng chuyển đổi ứng dụng hiện có bằng các công cụ và khuôn khổ quen thuộc.
Đây là điều đối lập hoàn toàn so với Metal, Valve, PlayStation và HTC, vốn chủ yếu dựa vào các ứng dụng và game sản xuất trong Unity hay OpenXR. Ngoài các ứng dụng chủ chốt như Microsoft Office, Xbox, Netflix, các lựa chọn còn lại khá hạn chế. Vài năm sau khi headset của Meta ra mắt, chợ Meta Quest Store mới chỉ có khoảng 400 game và ứng dụng. Nó là dấu hiệu thiếu trầm trọng nội dung tối ưu hóa cho thực tế ảo (VR).
Ngược lại, Apple hứa hẹn tại thời điểm bán ra, Vision Pro sẽ có hàng trăm nghìn ứng dụng sẵn sàng. Công ty sẽ tự động chuyển đổi ứng dụng iPhone và iPad sang “cửa sổ 2D có thể mở rộng”, phù hợp với Vision Pro mà không cần nhà phát triển phải nhúng tay vào, trừ khi họ muốn thay đổi gì đó. Đối với các nhà phát triển muốn tạo ra ứng dụng mới, Apple cũng giúp họ thực hiện dễ dàng trong hệ điều hành visionOS mới.
Theo Maximiliano Firtman, nhà phát triển web và di động lâu năm, visionOS không khác biệt so với iPadOS với ARKit, bộ công cụ thực tế tăng cường (AR) mà họ dùng vài năm nay.
Framework mà các nhà phát triển dùng để viết ứng dụng cho iOS và iPadOS - SwiftUI, RealityKit, ARKit – đều đã được “mở rộng cho điện toán không gian”, theo Apple. Nó giúp họ tạo ra trải nghiệm AR và VR nhập vai cho Vision Pro. Họ cũng có thể viết ứng dụng với các công cụ sẵn có như Xcode, Unity hay Reality Composer Pro (sắp ra mắt).
Theo Firtman, ngay cả khi công cụ phát triển phần mềm visionOS chưa có mặt, nhà phát triển web vẫn dùng được “WebXR cho ứng dụng web nhập vai thông qua Safari trên visionOS”. Điều này đồng nghĩa, ngoài các ứng dụng gốc của Apple, chúng ta sẽ thấy nhiều ứng dụng iOS và iPadOS khác trên Vision Pro.
Apple khuyến khích nhà phát triển mở rộng tính năng của ứng dụng, tận dụng các mô hình Window và Volume mới. Nhà phát triển Steve Moser tin rằng, mọi người sẽ muốn nhanh chóng biên dịch lại các ứng dụng hiện có cho visionOS để kịp đưa lên chợ visionOS App Store ngay từ đầu và có cơ hội ở vị trí nổi bật.
Tuy nhiên, Apple có một điểm yếu so với đối thủ là game. Khi Vision Pro lên kệ đầu năm sau, Apple cho biết chỉ có hơn 100 game từ dịch vụ Arcade và hầu hết không được viết riêng cho VR. Do đó, người dùng có thể không muốn đeo Vision Pro chỉ để chơi Angry Birds Reloaded hay Temple Run.
Xét cho cùng, mọi người mua kính Valve Index hay Meta Quest 2 chỉ để truy cập thư viện game VR như Beat Saber và Half-Life: Alyx. Thiếu vắng các tựa game VR đình đám sẽ khiến Vision Pro rơi vào thế bí giống như Mac, thiết bị chủ yếu để làm việc, không dành cho game. Bất chấp Apple nỗ lực thu hút cộng đồng nhà phát triển game lên macOS, họ vẫn không mặn mà vì phần lớn game thủ sử dụng Windows.
Dù vậy, game không thể quyết định thành bại của Vision Pro. Cách tiếp cận cẩn trọng và chậm rãi của “táo khuyết” được phản ánh trong bản thân thiết bị. Thay vì giới thiệu một giao diện xa lạ, khác với thực tế, Vision Pro lại đặt các ứng dụng quen thuộc lên trên nền môi trường thực nhờ Video Passthrough. Người dùng không cần phải sử dụng controller để điều khiển mà chỉ điều hướng bằng tay và mắt.
Dựa trên những ấn tượng đầu tiên về Vision Pro, The Verge nhận định thiết bị ra mắt để thành công. Tuy nhiên, giống với mọi thiết bị, ứng dụng sẽ là thứ biến điều đó thành hiện thực. May mắn cho Apple là họ có nền tảng, không phải xây mới.
Theo Du Lam (VietNamNet)