Tại buổi họp báo tháng 9 diễn ra chiều ngày 6/9, Bộ TT&TT đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu mới về việc chặn lọc SIM rác, SIM không chính chủ.
Tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ TT&TT đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Sau khi thông báo, đã có 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin.
Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Bộ TT&TT đang quyết liệt xử lý tình trạng SIM không đúng thông tin thuê bao, SIM không chính chủ.
“Trước kia, Bộ TT&TT chưa có thước đo nhằm kiểm tra xem thông tin thuê bao của người sử dụng có chính xác hay không. Điều này đã thay đổi khi Bộ Công an cho ra đời Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đây là căn cứ để các doanh nghiệp viễn thông tiến hành đối soát thông tin thuê bao”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.
Số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, hàng tháng hiện có 1,5 triệu thuê bao mới xuất hiện trên thị trường. Cơ bản các thuê bao mới đều đã được đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Hiện ba nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone chiếm 85% thuê bao phát triển mới. Các nhà mạng này đã kết nối trực tiếp tới Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Khi đăng ký thuê bao mới, các thuê bao của 3 nhà mạng này sẽ được đối soát online, nếu khớp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao mới được chấp nhận.
Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Wintel, Itel,... hiện chiếm 15% tổng lượng thuê bao mới ra thị trường hàng tháng. Những nhà mạng này chưa kết nối được với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, định kỳ hàng tháng, các nhà mạng này sẽ phải gửi số liệu về thuê bao mới đến Bộ TT&TT. Trong trường hợp sau quá trình đối soát, nếu thuê bao mới không đúng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao sẽ bị xóa khỏi hệ thống.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, hiện có tình trạng nhiều người sẵn sàng đứng hộ tên để đăng ký thuê bao. Điều này dẫn đến một thuê bao có thông tin đăng ký thật, tên tuổi, địa chỉ thật nhưng thực ra nằm trong tay người sử dụng khác. Do vậy, một bộ phận người dùng đã tiếp tay dẫn đến vấn nạn SIM không chính chủ.
Trước đó, Cục Viễn thông cho biết sẽ xử lý nghiêm các đối tượng lấy thông tin cá nhân để đăng ký hộ SIM điện thoại cho người khác.
Điều này bắt nguồn từ thực tế vẫn còn tình trạng người dân không ý thức được việc bản thân họ lấy thông tin của mình đăng ký thuê bao rồi đưa cho người khác sử dụng, mà không thực hiện các thủ tục sang tên là sai quy định.
Sau khi SIM được đăng ký và đưa cho người khác sử dụng, có thể họ sẽ gặp phải trường hợp người dùng số điện thoại đó lợi dụng việc này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Lúc này, người đứng tên SIM sẽ phải đối diện với việc xử lý của các cơ quan chức năng khi bị tra cứu.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)