Theo quy định công bố cuối năm 2020, các công ty cung cấp dịch vụ điện tử phải đăng ký giấy phép tại Indonesia, hạn chót là 20/7 năm nay. Tính đến ngày 19/7, có hơn 5.900 doanh nghiệp nội và 108 doanh nghiệp ngoại đăng ký.
Facebook và Google nằm trong số các nền tảng Internet cuối cùng nộp đăng ký kinh doanh chính thức tại Indonesia, về cơ bản chính thức khuất phục trước các quy định mới. Netflix, Spotify, Instagram và TikTok cũng đăng ký, theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Indonesia.
Các công ty vận hành mạng xã hội đối mặt sự giám sát ngày càng gắt gao từ chính phủ khắp thế giới, đồng thuận với sức mạnh thị trường của họ. Luật pháp Indonesia cho phép chính phủ chặn các dịch vụ không xóa nội dung có khả năng “kích động bất ổn” hay “gây rối trật tự công cộng” trong 24 giờ, chẳng hạn nội dung quảng bá khiêu dâm trẻ em hay ủng hộ khủng bố.
Chính phủ cũng được phép đánh thuế giá trị gia tăng với hoạt động mua bán hàng hóa kỹ thuật số, từ nội dung đến vật phẩm ảo. Ngoài ra, chính phủ có thể buộc các công ty tiết lộ dữ liệu cá nhân và thông tin liên lạc của một số người dùng cụ thể theo yêu cầu của cơ quan hành pháp. Chính phủ cho biết các quy định mới nhằm đảm bảo nhà cung cấp dịch vụ Internet bảo vệ dữ liệu người dùng và nội dung trực tuyến được sử dụng theo cách “tích cực và hiệu quả”.
Theo ông Semuel Abrijani Pangerapan - Tổng Giám đốc Ứng dụng thông tin thuộc Bộ TT&TT Indonesia, họ sẽ gửi cảnh báo trước tiên, tiếp đó là các khoản phạt và cuối cùng là đóng cửa dịch vụ không đăng ký.
Với dân số trẻ, thành thạo công nghệ, Indonesia nằm trong số 10 thị trường lớn nhất về số lượng người dùng của một số hãng như Twitter, Facebook, TikTok. Ước tính có 191 triệu người dùng mạng xã hội tại Indonesia tính đến tháng 2, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại buổi họp báo, ông Semuel cho biết những công ty không tuân thủ đồng nghĩa với việc họ không xem Indonesia như thị trường tiềm năng của mình.
Theo Du Lam (ICT News)