Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 8/5, Chủ tịch Microsoft – ông Brad Smith – lần đầu tiên công khai xác nhận lệnh cấm ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek trên nền tảng của công ty. Quyết định này được đưa ra do lo ngại về việc lưu trữ dữ liệu người dùng tại Trung Quốc và nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các bên thứ ba.
Theo trang công nghệ TechCrunch, ông Smith cho biết ứng dụng DeepSeek không xuất hiện trên kho ứng dụng của Microsoft vì lý do an ninh. Cụ thể, dữ liệu người dùng của ứng dụng này được lưu trữ trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc – nơi chịu sự giám sát chặt chẽ bởi luật pháp nước sở tại, bao gồm cả yêu cầu hợp tác với các cơ quan tình báo. Ngoài ra, DeepSeek còn kiểm duyệt nghiêm ngặt các chủ đề bị chính quyền Trung Quốc xem là nhạy cảm.
Ông Smith nhấn mạnh: “Tại Microsoft, chúng tôi không cho phép nhân viên sử dụng ứng dụng DeepSeek”. Dù trước đó một số tổ chức và quốc gia đã đưa ra các biện pháp hạn chế tương tự, đây là lần đầu tiên Microsoft lên tiếng xác nhận công khai lệnh cấm.
Dù vậy, Microsoft vẫn từng cho phép cung cấp mô hình trí tuệ nhân tạo R1 của DeepSeek trên nền tảng điện toán đám mây Azure. Ông Smith giải thích rằng điều này là hoàn toàn khác biệt, vì DeepSeek được phát triển dưới dạng mã nguồn mở. Do đó, bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng có thể tải xuống mô hình này, lưu trữ trên hệ thống riêng và triển khai dịch vụ mà không cần gửi dữ liệu về Trung Quốc.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch Microsoft cũng cảnh báo việc sử dụng mã nguồn mở không đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn rủi ro. Một số lo ngại vẫn tồn tại, chẳng hạn như khả năng mô hình tạo ra nội dung mang tính tuyên truyền hoặc sinh mã lập trình thiếu an toàn.
Tại phiên điều trần, ông Smith tiết lộ rằng Microsoft đã từng "can thiệp" vào mô hình của DeepSeek để loại bỏ những “tác động phụ có hại”, tuy nhiên ông không cung cấp thêm chi tiết về quy trình thực hiện. Trước đó, khi thông báo đưa DeepSeek lên Azure, Microsoft cũng khẳng định mô hình đã vượt qua các bài kiểm tra an toàn và đánh giá kỹ lưỡng.
Đại diện Microsoft cho biết công ty cho biết họ không cấm tất cả đối thủ khỏi cửa hàng ứng dụng Windows, trừ đối thủ lớn nhất là Google. Hiện trình duyệt Chrome và chatbot Gemini đều không có mặt trong cửa hàng ứng dụng của Microsoft.
Hồi tháng 1, startup công nghệ Trung Quốc DeepSeek thu hút sự chú ý lớn khi phát hành miễn phí mô hình ngôn ngữ V3 và đồng thời giới thiệu mô hình R1 với nhiều ưu điểm nổi bật. Theo công bố, mô hình R1 được huấn luyện hoàn toàn bằng các chip Nvidia đời cũ, có mã nguồn mở 100% và chi phí vận hành thấp hơn tới 96,4% so với mô hình o1 của OpenAI, trong khi hiệu suất vẫn đạt mức tương đương.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng và tính cạnh tranh cao của DeepSeek cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại. Một số nước như Hàn Quốc, Australia và Italy đã đưa ra các biện pháp kiểm soát hoặc cấm sử dụng ứng dụng này, với mức độ khác nhau tùy theo chính sách từng quốc gia.
Theo Thái Sơn (SHTT)