Đằng sau khu tầng hầm của trung tâm thương mại ở phía nam thành phố Quảng Châu, Trung Quốc - là một "nhà máy" hết sức quan trọng. Nó không sản xuất quần áo hay giày dép hoặc bất cứ loại hàng hóa nào bạn có thể nghĩ tới, mà là nơi có hàng chục ngôi sao mạng đang live-stream cho vô vàn người xem.
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, công ty Truyền thông Đa phương Tiện Hifan đã lọt vào danh sách "Top 5 công ty truyền thông của Quảng Châu". Chỉ với 40 nhân viên, Hifan đã tạo nên bệ phóng cho hơn 100 ngôi sao mạng - những cá nhân có ảnh sức lan tỏa và ảnh hưởng trên internet (hay còn gọi là KOL).
Hifan chính là nơi sản sinh ra thế hệ ngôi sao mạng mới cho Trung Quốc, và cũng là nguồn sống cho dịch vụ live-stream bán hàng. Ở Trung Quốc, nó được gọi là "entertainmerce" - ghép từ entertainment (giải trí) và e-commerce (thương mại điện tử).
Theo số liệu của công cụ thống kê iResearch, doanh thu từ ngành công nghiệp live-stream ở Trung Quốc đã tăng vọt tới 180% trong năm 2016, được định giá tới 21 tỷ tệ (khoảng 68.000 tỷ đồng). Trong khi đó, nội dung mà họ tạo ra hết sức đơn giản: Các ngôi sao mạng nhảy múa, hát hò, giao lưu tâm sự chuyện đời với người theo dõi.
Khi độ phủ lớn, live-stream bắt đầu xuất hiện việc bán hàng online. Có thể nói, đây là cách thức bán hàng tối ưu trong thời đại số - nhanh chóng, tiện lợi và đánh thẳng vào suy nghĩ "xem live-stream, xem hàng và thích là mua" của khách hàng. Không chỉ dễ dàng truy cập từ khắp mọi nơi, giao diện người dùng đơn giản, trực quan cũng làm nên thành công của việc bán hàng qua live-stream.
Giám đốc điều hành của Hifan, ông Tiger Ai, cho hay tổng doanh thu nội địa của doanh nghiệp này trong năm 2017 đã lên tới 30 triệu tệ (khoảng 97,5 tỷ đồng). Cách thức hoạt động của họ chẳng có gì phức tạp: Dùng các ngôi sao mạng để bán quần áo, giày dép và đồ trang điểm.
Thế nhưng, chỉ những người trong cuộc mới hiểu lịch làm việc dày đặc tại Hifan: Giám đốc điều hành làm việc quần quật từ 12- 14 tiếng/ngày, còn các ngôi sao mạng làm ca 8 tiếng, từ 4h chiều hoặc 9h tối cho đến khuya muộn. Khi đó, khách hàng mới có thời gian ngồi máy tính và mò mẫm trên internet.
Tại Hifan có tất cả 12 khu vực, mỗi phòng lại live-stream theo chủ đề riêng.
Do chủ đề khác nhau nên cách bài trí của mỗi phòng cũng khác nhau: Có nơi trang trí như phòng khách "kẹo ngọt" đầy nữ tính; nơi khác lại bố trí như quầy bar bán rượu...
"Bề ngoài hào nhoáng vậy thôi, đây là ngành kinh doanh cực kỳ khốc liệt và có thể vắt kiệt sức của bất cứ ai. Yêu cầu cao, không được phạm lỗi dù là nhỏ nhất - những năm tháng tươi đẹp nhất của ngôi sao mạng chủ yếu là đầu 20 tuổi. Họ lóe sáng như một ngôi sao thực thụ rồi tắt lịm chỉ sau vài năm, cuối cùng là nghỉ việc", Giám đốc điều hành Hifan, ông Tiger Ai cho hay.
Quả thật, trong sự nghiệp "ngôi sao internet" ngắn ngủi, các cá nhân ở đây phải làm hết sức để tăng độ nhân diện của bản thân thì mới được coi là thành công và có thể chuyển qua ngành nghề khác.
Khách hàng ở Trung Quốc ngày càng đòi hỏi sự minh bạch và xác thực hơn trong trải nghiệm mua sắm của họ. Trong đó, yếu tố "ngưỡng mộ thần tượng" sẽ cho họ thêm lòng tin vào sản phẩm, thúc đẩy doanh số bán hàng chung.
Với ranh giới ngày càng mờ nhạt giữa thương mại điện từ, phương tiện truyền thông xã hội và giải trí - Giám đốc điều hành Ai tin rằng, Trung Quốc sẽ trở thành đế chế bán lẻ phi truyền thống của tương lai.
"Sự thành công của một ngôi sao mạng phụ thuộc vào nhân cách, cách họ lôi kéo và tạo nên lượng người theo dõi trung thành. Điều này có nghĩa là, ngôi sao mạng cần phải tạo nên kết nối độc đáo giữa bản thân và người theo dõi", Ai nói tiếp.
Có hai dạng ngôi sao mạng live-stream chính: Một nhóm tập trung vào việc bán hàng, nhóm thứ hai tập trung vào giải trí.
Những ai bán được hàng sẽ hưởng hoa hồng, từ 20 - 30% giá trị của từng sản phẩm. Còn nhóm tập trung vào giải trí sẽ nhận thù lao thông qua "quà ảo" (có thể quy đổi ra tiền thật) mà người hâm mộ dành tặng,
Hầu hết các ngôi sao mạng của Hifan có thù lao từ 20.000 - 40.000 tệ/tháng (65 - 130 triệu đồng). Họ có thể làm việc linh hoạt ở văn phòng công ty, tại nhà và thậm chí là ngoài trời.
"Cici Hà", 22 tuổi, không phải là một ngôi sao mạng nhưng đã đứng ra tổ chức khu chợ bán buôn đồ thời trang online cho giới trẻ, mỗi tháng cũng được hưởng hoa hồng từ 90.000 - 100.000 tệ/tháng (292 - 325 triệu đồng).
Không kém cạnh là "Sucola Lâm", một vũ công 20 tuổi có tới 130.000 người theo dõi trên mạng xã hội Weibo - có thể kiếm tới 60.000 tệ/tháng (195 triệu đồng) từ việc bán mỹ phẩm cho thanh niên trẻ. Sucola Lâm còn hợp tác với Hifan để live-stream dạy nhảy, luyện thanh, tập thể dục.
"Yoyo Giang", 27 tuổi, đã nghỉ công việc giáo viên để chuyển sang bán đồ thời trang online. Để xây dựng tiếng tăm của bản thân, Yoyo Giang đã tự biến mình thành ngôi sao mạng bằng các hoạt động như hát hò, nhảy múa, trò chuyện với người hâm mộ.
Tiger Ai cho hay, những cá nhân chưa có đủ kỹ năng để trở thành ca sĩ hoặc diễn viên chuyên nghiệp đang hướng tới việc đánh bóng tên tuổi bằng live-stream.
"Trông họ vui vẻ thế thôi, nhưng chat chít hoặc hát hò liên tục để thu hút người xem là công việc bận rộn và đầy tính cạnh tranh", Ai nói.
Bên cạnh việc điều hành Hifan, Ai tự cho mình là người đưa đường chỉ lối cho các ngôi sao mạng. Ông dạy họ cách nói năng, cư xử và làm thế nào để giữ chân người hâm mộ.
Cá tính, lối sống, phong cách của KOL cùng với cách họ tương tác với fan sẽ là nguồn sống của khái niệm bán hàng kiểu mới; vì mỗi người một tính, nên nội dung Hifan tạo ra sẽ có tiềm năng thay đổi không ngừng, bất biến theo từng KOL.
Tóm lại, live-stream bán hàng hay "entertainmerce" đã, đang và sẽ tạo ra nguồn lợi khổng lồ cho các công ty ở quốc gia tỷ dân.
Theo JJJ (Helino)